Không phải quá khi nói xe tự lái - tự hành là tương lai của giao thông toàn cầu khi khoa học ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của con người. Xe tự lái được kỳ vọng sẽ đáp ứng tính an toàn hàng đầu, đồng thời đem lại những trải nghiệm số ở mức ngày càng hoàn hảo cho người ngồi bên trong. Cũng chính vì vậy, hiện nay hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới đều đang theo đuổi mục tiêu hướng tới một chiếc xe tự lái toàn diện.
Theo Hiệp hội Kỹ sư ô tô SAE (Society of Automotive Engineers) của Mỹ, xe tự lái (còn được gọi là xe tự hành) hiện được phân loại thành 5 cấp độ, tùy theo mức độ can thiệp của công nghệ hỗ trợ lái vào quá trình vận hành xe. Thứ tự của các cấp độ được đánh số từ 1 đến 5, tương ứng từ ít đến nhiều tính năng tự hành của xe.
Cấp độ tự lái 1: Hỗ trợ tài xế
Đây là cấp độ tự lái thấp nhất, với những tính năng như hệ thống Kiểm soát hành trình thích ứng và hỗ trợ giữ làn. Hai tính năng này giúp người lái giảm được sự mệt mỏi và căng thẳng khi lái xe, đặc biệt trên các quãng đường dài và cao tốc. Ở cấp độ tự lái 1, người lái xe vẫn đòi hỏi mức độ tập trung khi điều khiển phương tiện. Khi lái xe ở trong đô thị, ở những khu vực đông dân cư và có thể tắc đường, chế độ tự lái này sẽ không thể phát huy tối ưu tính năng của mình.
Tự hành cấp độ 1 xuất hiện từ thập niên 1990 đầu tiên trên xe Mercedes-Benz và dần được phổ biến trong những năm đầu thế kỷ 21 trên thế giới.
Tại Việt Nam, một số mẫu xe được trang bị chế độ tự lái cấp 1 như Ford Ranger, Ford Everest, Mazda CX-8 và Mazda3 có gói an toàn i-Activsense, Toyota Corolla Cross với gói TSS….
Cấp độ tự lái 2: Tự động hóa từng phần
Bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều tính năng hỗ trợ người lái tiên tiến như tự động cảnh báo chệch làn, duy trì làn đường và phanh hoặc chuyển hướng và tăng tốc, xe có thể chủ động hơn trong xử lý một số tình huống. Lúc này, tính tự động của ôtô cao hơn nhưng mang tính riêng lẻ nên cấp độ 2 được gọi là tự lái từng phần (partial automation). Tương tự cấp độ 1, ở cấp độ 2 người lái vẫn được yêu cầu kiểm soát vô-lăng, chân ga và chân phanh để can thiệp trong tình huống khẩn cấp.
Tới nay, nhiều xe ô tô đã hỗ trợ tự lái cấp độ 2, chủ yếu là xe sang cao cấp của Tesla, Mercedes-Benz, GM Volvo...
Cấp độ tự lái 3: Tự động hóa có điều kiện
Ở cấp độ 3, tự động hóa có điều kiện (conditional automation), xe có thể tự hành gần như hoàn toàn trong một vài điều kiện lý tưởng, chẳng hạn như đường cao tốc với giải phân cách, vạch kẻ đường rõ ràng và di chuyển ở vận tốc giới hạn. Xe sẽ tự di chuyển theo lộ trình đã được định trước, đồng thời các chức năng an toàn sẽ được hệ thống điều khiển kiểm soát. Ở cấp độ này, người lái có thể rời tay khỏi vô-lăng nhưng vẫn cần ngồi ở vị trí điều khiển để sẵn sàng lấy lại quyền kiểm soát xe khi cần thiết.
Tại Việt Nam, các mẫu xe điện VinFast VF31, VF32, VF33 được giới thiệu đều là xe tự lái có thể đạt cấp độ 2 và 3, thậm chí cấp độ 4 (chuẩn SAE).
Cấp độ tự lái 4: Tự động hóa ở mức cao
Ở cấp độ tự lái 4, xe có thể tự chuyển hướng, phanh hoặc tăng tốc, thậm chí tránh vật cản thông qua việc liên tục giám sát tình trạng đường. Do cho phép người lái có thể nghỉ, ngủ nếu muốn, cơ chế tự lái cấp độ 4 chỉ có thể được kích hoạt trên các cung đường ở tình trạng hoàn hảo, đảm bảo xe có thể giảm tốc và dừng đỗ an toàn khi cần. Vô-lăng vẫn sẽ được trang bị để người lái chủ động điều khiển xe trong một vài tình huống nhất định.
Giới hạn chính đối với xe tự hành cấp độ 4 hiện tại là các quy định pháp lý. Còn lại, những mẫu xe thử nghiệm đã có thể vận hành hiệu quả ở hầu hết điều kiện giao thông, từ cao tốc, đường xa lộ cho đến đô thị đông đúc. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của xe tự lái cấp độ 4 vẫn bị giới hạn ở một khu vực nhất định.
Đóng vai trò chính của xe tự lái cấp độ 4 sẽ là khả năng kết nối trực tuyến, thu thập thông tin giao thông từ trung tâm dữ liệu và dự đoán tình huống để tăng tính chính xác trong quá trình tự hành..
Cùng với Daimler và BMW, Waymo, một công ty chuyên về xe tự hành thuộc tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google) đang tích cực hoàn thiện cấp độ 4. Được biết, hơn 20 hãng xe có kế hoạch bán ra xe tự lái cấp độ 4 trong năm 2022.
Cấp độ 5: Tự động hóa toàn diện
Ở cấp độ này, ô tô thậm chí không còn một số trang bị như tay lái, chân ga, chân phanh. Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò chính trong việc xử lý các tình huống dựa trên dữ liệu do hàng trăm cảm biến đưa về (khoảng 4 terrabyte mỗi giờ trong điều kiện đường lý tưởng).
Phương tiện di chuyển sẽ tự động hoàn toàn mà không cần đến sự can thiệp của con người. Đồng thời, xe tự lái cấp độ 5 không bị hạn chế phạm vi hay điều kiện hoạt động như cấp độ 3, 4.
Có thể nói cấp độ 5 là cấp độ hoàn hảo mà bất kỳ hãng xe nào cũng đang hướng tới. Tuy nhiên, để có được những chiếc xe tự lái đạt được cấp độ này, chúng ta vẫn còn cần khá nhiều thời gian mới có thể đạt được.
Nguyên Đỗ