Câu chuyện "VinFast báo công an" đang là chủ đề được nhiều người quan tâm những ngày qua. |
Và thế là, trên mạng xã hội, ở quán cóc lề đường đến các căn phòng máy lạnh, người ta đùa, đại loại rằng, đi xe Vin bị hư mà "la làng" lên, coi chừng bị báo công an. Có những điều, kiểu gì người ta cũng luận bàn, đưa ra “thuyết âm mưu” và tất nhiên có những cái nói mãi người ta cũng sẽ mặc định nó là sự thật.
Nếu thông cáo của VinFast được phát đi, thay vì dùng chữ “gửi đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời…” (trích thông tin trên fanpage VinFast) thì tại sao không dùng “cơ quan chức năng” hoặc “VinFast sẽ giải quyết vụ việc theo quy định của luật pháp”? Nghe chừng như "lịch sự" hơn.
Thiết nghĩ, chắc không có chuyện dùng ngôn ngữ bất cẩn ở một doanh nghiệp lớn như vậy. Và ở VinFast nói riêng, VinGroup nói chung, khó có khả năng đăng thông tin mà do “lỗi thằng đánh máy”.
Chuyện kiện cáo, nhiều người cho rằng đó là cách giải quyết văn minh. Cũng đúng thôi, đánh nhau thì không văn minh còn xử lý vấn đề bằng giấy tờ, bằng luật định thì lại ổn. Dắt nhau ra tòa, đúng mạnh, phải trái, chỉ sau tiếng gõ búa phán quyết của tòa là xong.
Nói vậy để thấy rằng, chuyện viết kiểu "đã báo công an" đôi khi là một cách chọn lựa, có lẽ cũng đã suy tính. "Đã báo" tới đâu và "xử" kiểu gì thì những người quan tâm vẫn còn phải chờ đợi trong thời gian sắp tới.
Một bộ phim tạo sự thu hút là một bộ phim không bị tiết lộ hết những chi tiết quan trọng ngay khi vừa mới phát clip “nhá hàng”.
Nói thêm, ở Việt Nam, "báo công an" là một điều gì đó khá nhạy cảm. Ở những bộ phim nước ngoài, khán giả thưởng hay thấy mỗi khi ai đó hét lên "báo cảnh sát" thì hoặc là đối phương chùn tay hoặc chính người hét bầm dập.
Tất nhiên, phim là đời nhưng đời thì không phải là phim. Kết cuộc như nào, những người quan tâm vẫn còn phải chờ đợi.
N.H
(*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả)