Thông tin thu hút sự chú ý tại Hội Thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng" được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 4/7 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, có ghi nhận về việc người dân phản ánh tình trạng sử dụng ảnh chụp để xác minh giao dịch ngân hàng.
Nguyên nhân là trong những ngày đầu tiên các ngân hàng triển khai xác thực gương mặt cho các giao dịch trên 10 triệu đồng, số lượng giao dịch quá nhiều dẫn tới quá tải hệ thống, một hai ngân hàng đã phải tắt tính năng xác thực thực thể sống. Sau khi hệ thống hoạt động ổn định trở lại, tính năng xác thực thực thể sống được bật trở lại, lỗ hổng bảo mật được khóa lại, hiện không thể dùng ảnh tĩnh để vượt qua bảo mật gương mặt trên các ứng dụng của ngân hàng.
Trước đó, trong những ngày đầu tiên thực hiện xác thực sinh trắc học gương mặt trên ứng dụng ngân hàng, nhiều người dân đã phản ánh tình trạng giao dịch không phản hồi, tắc nghẽn,… thậm chí, có thể dùng các bức ảnh chụp sẵn để “đánh lừa” hệ thống xác thực của ngân hàng và chuyển tiền thành công.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật lý giải về hiện tượng này thì khi số lượng giao dịch quá nhiều dẫn đến quá tải, hệ thống của ngân hàng phải cân bằng giữa độ mượt của giao dịch với hiệu quả về bảo mật. Một số công nghệ như xác minh ảnh tĩnh, động hoặc Active, hoặc xác minh thực thể sống (Liveness Detection) bị tạm thời tắt đi. Sau khi nhận phản ánh, tính năng đã được bật lại. Đó là lý do buổi sáng việc dùng ảnh để lừa hệ thống xác thực thành công nhưng buổi chiều đã bị vô hiệu hóa.
Cũng thông tin tại buổi Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, hiện nay ngàng ngân hàng đã có 16,6 triệu tài khoản sinh trắc học khách hàng với dữ liệu của Bộ Công an.
Về các giao dịch trên 10 triệu đồng, con số thống kê của ngày 3/7 - ngày mà các giao dịch được thông suốt - là 1,9 triệu giao dịch trên tổng số 23 triệu giao dịch, tương đương 8,2%. Con số này cao hơn mức trung bình của tháng 6 là 8%.
Huệ Đỗ