Thông tin vừa được đăng tải trên cổng thông tin Bộ Công an. Công dân Võ Quang Minh đã có phản ánh: “Mới đây, xe cứu thương đang chở bệnh nhân bị thương nặng trong tình trạng nguy kịch từ Tuyên Quang xuống bệnh viện Việt Đức, Hà Nội để cấp cứu. Trên đường đi, xuất hiện 1 xe tải liên tục tạt đầu, không chịu nhường đường cho xe cứu thương (mặc cho xe cứu thương liên tục phát còi báo hiệu). Hành vi này gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Bộ Công an cho tôi hỏi, hành vi không nhường đường cho xe cứu thương sẽ bị xử lý như thế nào? Vi phạm với mức độ nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?”.
Bộ Công an đã có trả lời cụ thể như sau:
Quyền ưu tiên của xe cứu thương được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất cứ hướng nào. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Căn cứ Điều 3, Điều 8, Điều 15 Nghị định 109/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; Điều 4 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BCA-BCT ngày 08/3/2012 của Bộ Công an và Bộ Công thương quy định về thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên thì xe cứu thương được hưởng quyền ưu tiên khi đảm bảo các yêu cầu sau: Đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu (đang chở bệnh nhân cấp cứu hoặc đi đón bệnh nhân cấp cứu), phải được lắp đặt và có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (còi, đèn ưu tiên) do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đối với hành vi không nhường đường cho xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ: Căn cứ quy định tại điểm h khoản 5 Điều 5; điểm b khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng (3 triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (5 triệu đồng) và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.
Bộ Công an cho biết, để xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện xe ô tô tải như trong trường hợp trên phải xác định được các yếu tố sau: Xe cứu thương có giấy phép sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (xe cứu thương hoạt động hợp pháp), đang đi làm nhiệm vụ cấp cứu, đang sử dụng tín hiệu ưu tiên (còi, đèn ưu tiên) và chứng minh được hành vi cố ý không nhường đường của người điều khiển phương tiện xe ô tô tải.
Bộ cũng nêu rõ, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này phải căn cứ vào nhiều tình tiết, yếu tố và phải là hành vi cố ý, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo kết quả điều tra xác minh của cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát.
Được biết, chiếc xe cứu thương trong vụ việc được nhắc đến là của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Chiều tối ngày 17/10, chiếc xe cứu thương này đang trên đường đưa một bệnh nhân bị trâu húc vỡ gan, tràn dịch màng phổi đi cấp cứu ở Hà Nội. Trên đường đi, xe đã phát tín hiệu ưu tiên nhưng một chiếc xe tải vẫn lạng lách, đánh võng, không chịu nhường đường.
Nhận được tin báo, lãnh đạo Phòng CSGT, Công an tỉnh Tuyên Quang đã nhanh chóng chỉ đạo các tổ tuần tra kiểm soát trên toàn tuyến triển khai lực lượng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc.
Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã xác định được người điều khiển xe ô tô tải mang BKS 22C - 082.48 trong vụ việc trên là ông Vũ Thế P. (44 tuổi, trú tại TT.Sơn Dương, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ xe ô tô của ông P. về hành vi điều khiển xe ô tô không nhường đường cho xe ưu tiên và không xuất trình được giấy phép lái xe.
Thành Đô