Logo BMW lâu nay vẫn bị hiểu nhầm là biểu tượng cánh quạt máy bay quay vòng. |
“Nhiều người tin rằng logo BMW là một cánh quạt cách điệu, tuy nhiên, nó lại không phải như vậy”, ông Fred Jakobs của BMW Group Classic cho biết.
Theo nghiên cứu từ lịch sử thì các màu xanh và trắng mang tính biểu tượng trong logo của công ty đều là những màu sắc đại diện cho màu sắc chính thức của bang Bavaria (bang lớn nhất nước Đức- vẫn được mệnh danh là trái tim châu Âu). Tuy nhiên, hoa văn trong logo của BMW hiển thị các màu đó theo thứ tự đảo ngược. Nguyên nhân là bởi, khi logo được tạo ra lần đầu, luật thương hiệu của Đức lúc bấy giờ đã cấm sử dụng các biểu tượng liên quan đến chính quyền trong các logo thương mại.
Kết quả là, BMW đã đưa ra giải pháp đơn giản là lật các màu theo thứ tự ngược để lách luật thương hiệu.
BMW lần đầu tiên đăng ký làm công ty vào ngày 5/10/1917 với sổ đăng ký thương hiệu hoàng gia Đức sau khi có nguồn gốc là Rapp Motorenwerke FmbH vào năm 1913. Ban đầu, BMW không có biểu tượng, vì vậy những người sáng tạo của nó chỉ đơn giản lấy huy hiệu ban đầu của công ty sáng lập, giữ lại vòng màu đen bên ngoài, và thay thế hình chiếc đầu ngựa bằng màu sắc đảo ngược của tiểu bang và các chữ cái. BMW được hiểu là Bayerische Motoren Werke hoặc Bavaria Motor Works.
Vậy, quan niệm sai lầm phổ biến rằng logo của BMW là cánh quạt máy bay đến từ đâu?
Hãy ngược dòng thời gian, xem lại đoạn quảng cáo của công ty từ năm 1929. Đó là đoạn quảng cáo cho một chương trình khuyến mãi động cơ máy bay mới nhất mà họ đang sản xuất lúc đó. Thực tế, tiền thân của BMW là một nhà sản xuất máy bay (Gustav-Otto-Flugzeugwerk) nên việc họ sáng chế ra động cơ máy bay mới không có gì là lạ.
Kể từ đó, các phương tiện truyền thông công cộng đều ngầm hiểu rằng ý nghĩa của logo này bắt nguồn từ biểu tượng quạt máy bay. Đặc biệt là vào năm 1942, khi một quảng cáo tương tự xuất hiện trong một ấn phẩm có trụ sở tại BMW, có liên quan đến thông tin về một hãng máy bay có tên là BMW Flugmotoren-Nachrichten.
“Trong một thời gian dài, BMW đã có rất ít nỗ lực để đính chính rằng huy hiệu BMW không phải là cánh quạt máy bay”, ông Fred Jakobs cho biết.
Người này cũng cho biết thêm, việc cho rằng biểu tượng BMW là mô tả về cánh quạt máy bay cũng không hoàn toàn sai, nhưng nó không chính xác 100%. Thời báo New York đã xuất bản một bài báo năm 2010 để đính chính về điều này, tuy nhiên dường như ý nghĩa logo liên quan đến cánh quạt máy bay của BMW đã ăn quá sâu vào tâm trí mọi người. Cách giải thích này đã phổ biến trong 90 năm, vì vậy, không dễ để thay đổi trong một sớm một chiều.
Thành Đô (theo The Drive)