1. Thay lốp dự phòng
Kỹ năng thay lốp dự phòng rất cần thiết với đa phần người đi xe ô tô. Theo đó, bạn có thể cơ động xử lý các trường hợp lốp non hơi, dính đinh hoặc các vấn đề liên quan đến lốp “dễ như ăn kẹo” với những bước rất cơ bản. Điều này đồng nghĩa với việc trong xe của bạn luôn phải có sẵn một chiếc lốp dự phòng và các dụng cụ để thay lốp.
Đầu tiên là công đoạn tháo lốp, bạn cần vặn cho ốc lỏng ra chứ không tháo hoàn toàn. Nếu bạn tháo hẳn ra, sẽ rất khó để đặt kích nâng xe và lắp lốp mới.
Tiếp đó, bạn tìm vị trí đặt kích, thường là 20cm ở phía trước bánh sau hoặc phía sau bánh trước, tùy bánh bị thủng. Nâng kích khít chặt vào khung xe, đứng vững thế. Tiếp tục nâng kích sao cho bánh xe cách mặt đất khoảng 2cm. Lúc này bạn mới tháo bánh hỏng ra hoàn toàn khỏi xe.
Bước tiếp theo là đưa lốp dự phòng vào vị trí trục của bánh xe vừa tháo ra. Lưu ý vặn các ốc theo đường chéo, không vặn hai chiếc cạnh nhau mà cách nhau một ốc để đảm bảo bánh xe không bị lệch góc. Ốc vặn vừa phải để cố định bánh xe chứ không siết chặt hết cỡ. Việc cuối cùng bạn phải làm là hạ kích và lôi ra ngoài, siết chặt hết cỡ các ốc một lần nữa.
Để cẩn thận hơn, sau khi kết thúc chuyến du Xuân của mình, bạn có thể ghé thăm các gara để kiểm tra một lần nữa và cần thiết thì căn chỉnh lại độ chụm của bánh xe.
2. Ắc quy "tậm tịt", không đề nổ được
Nếu không đề nổ được xe, tài xế nên kiểm tra ốc siết ắc quy có bị lỏng hay không. Nếu lỏng sẽ khiến việc đề nổ bị chập chờn, việc bạn cần làm là dùng cờ lê siết chặt nó lại.
Nếu không phải lỗi do ốc, có thể ắc quy của bạn đã hết, bạn cần kích nổ lại bình ắc quy bằng cách nhờ một chiếc xe khác. Theo đó, cần đỗ hai xe quay đầu vào nhau ở khoảng cách gần, tắt máy, điều hòa, đèn. Tiếp theo cần nối cực dương của dây cáp với cực dương của ắc quy cần sạc, nối tiếp cực dương của dây cáp với cực dương của ắc quy xe trợ giúp. Tiến trình với cực âm làm tượng tự, nối cực âm của dây cáp với cực âm của ắc quy xe trợ giúp, đầu còn lại nối với cực âm của ắc quy cần sạc. Nếu xe không có cực nối đất thì hãy nối vào phần kim loại không được sơn của xe để tránh tình trạng nối vào cực âm gây chập cháy.
Tiếp tục, tài xế nổ máy xe trợ giúp và giữ cho động cơ quay ở tốc độ 2000-3000 vòng/phút. Tiếp tục khởi động động cơ xe cần sạc ắc quy và giữ cho máy chạy trong vài phút để ắc quy được sạc lại.
Cuối cùng, tài xế tháo dỡ cáp điện theo trình tự ngược lại so với lúc kết nối.
Lưu ý, nếu dùng đến biện pháp này mà xe vẫn không thể đề nổ, bạn cần phải thay một chiếc ắc quy mới.
3. Hỏng lưỡi gạt mưa
Lưỡi gạt nước mưa chỉ có tuổi thọ sử dụng trong vài tháng nên việc thay thế là thường xuyên. Bạn chỉ cần mua một thanh lưỡi gạt mới, sẽ có hướng dẫn thay thế. Theo đó bạn cần làm tuần tự theo các bước có trong đó. Hoặc, bạn có thể nhấc phần nối thanh lưỡi gạt với thân xe và thay bỏ lưỡi cũ, sau đó xoay lưỡi gạt mới vuông góc với thanh nối rồi đẩy xuống ăn khớp vào chốt với lưỡi gạt là hoàn thành thay thế.
4. Ổ khóa bị kẹt
Ổ khóa dùng lâu ngày có thể bị rỉ sét và ăn mòn, quá trình này tạo nên những mạt sắt nhỏ bên trong ổ khóa làm cho nó bị kẹt khi sử dụng. Việc bạn cần làm chỉ là dùng dầu bôi trơn và phun vào trong ổ khóa để loại bỏ các mạt này. Sau đó, dùng bình xịt nén để làm khô hoặc dùng mỡ bò nước để xịt vào ổ khóa. Cuối cùng bạn tra thử chìa vào khóa và xoay thử.
Đ.Huệ (tổng hợp)