Đại gia Tiền "Còi" - Tiền "Honda"
Sở hữu trong tay cơ ngơi triệu USD, hiện được biết đến nhiều với tư cách ông chủ của nhiều dự án bất động sản lớn như khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, An Bình City, Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son tại Đồ Sơn - Hải Phòng (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng), tuy nhiên ít người biết, tỷ phú Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Tập đoàn Geleximco lại là một người từng rất “máu mặt” trong lĩnh vực sản xuất ô tô xe máy.
Theo đó, Geleximco chính là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) hoạt động từ năm 1996. Công ty này là chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Như Quỳnh, Hưng Yên.
VAP có sự tham gia của 6 đối tác trong và ngoài nước, trong đó, Tập đoàn Geleximco và Công ty Honda Việt Nam là hai cổ đông Việt Nam. Phía nước ngoài gồm công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor Co., Ltd, Daisin Co. Ltd, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki Co.,Ltd.
VAP hiện cung cấp các sản phẩm chính cho Honda và Goshi, cùng với đó là xuất khẩu đi nhiều nước. Ngoài ra, liên doanh này còn lắp ráp xe máy Honda với công suất 400.000 xe/năm.
Có thể nói, đây là một trong những liên doanh có sức ảnh hưởng khá lớn tới thị trường xe cộ trong nước và khu vực những năm qua. Tuy nhiên, điều này lại không được truyền thông rộng, vì vậy sự tham gia của Geleximco và ông Vũ Văn Tiền – với biệt danh khác là Tiền “Honda” đa phần chỉ được biết đến trong giới.
Nền tảng để ông Vũ Văn Tiền tham gia vào thị trường này có thể tính từ xuất phát ban đầu của người này. Ông Tiền, sinh năm 1959, được biết đến nhiều với biệt danh là Tiền “Còi”, quê tại Tiền Hải, Thái Bình. Ông tốt nghiệp Kỹ sư Học viện Kỹ thuật quân sự, cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân. Sau khi tốt nghiệp, ông đó gắn bó với Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (1986-1992) trước khi sáng lập ra Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tổng hợp Geleximco vào năm 1993 - tiền thân của Tập đoàn Geleximco hiện nay. Tại thời điểm này, Geleximco là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được phép xuất nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài.
Ban đầu, công ty chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Về sau, khi đã gây dựng được thành quả nhất định, ông đã sớm chủ động xây dựng Geleximco theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên. Cũng kể từ thời điểm đó đến nay, ông Vũ Văn Tiền điều hành Geleximco với cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Ngoài vị trí Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, ông Tiền cũng đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy An Hòa; Chủ tịch HĐQT Công ty Nhiệt điện Thăng Long. Ngoài ra, ông Tiền từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Từ một công ty trách nhiệm hữu hạn nhỏ bé, Geleximco hiện tại là tập đoàn đa ngành, đầu tư vào năm lĩnh vực kinh doanh gồm sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, đào tạo và công nghệ thông tin.
Hiện nay, Tập đoàn Geleximco có 27 công ty thành viên và công ty liên kết, tạo công ăn việc làm cho 10.000 lao động. Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt mức 12.810 tỷ đồng, tăng gần 1.300 tỷ so với đầu năm (11.516 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực công nghiệp, Tập đoàn Geleximco đã được nhắc đến rất nhiều với 3 dự án nổi bật là Nhiệt điện Thăng Long (tổng vốn đầu tư 900 triệu USD), Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy giấy An Hòa (tổng vốn đầu tư 450 triệu USD) và VAP - dự án liên doanh cùng Honda Motor (tổng vốn đầu tư 90 triệu USD)…
Bên cạnh đó, còn có những dự án Geleximco tâm huyết và bỏ không ít công và của để theo đuổi như Nhiệt điện Quỳnh Lập, điện rác, cảng biển... Có tích lũy từ những lĩnh vực khác như bất động sản, ông Vũ Văn Tiền lại dồn vào công nghiệp.
Tham vọng thâu tóm thị trường xe Việt
Cuối năm 2022, thông tin Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền sẽ đầu tư tới 800 triệu USD (gần 19.000 tỷ đồng) vào “cuộc chơi 4 bánh” gây xôn xao dư luận. Số tiền đầu tư này sẽ được dành để xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại Thái Bình. Nhà máy này sẽ vẫn sản xuất các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong nhưng trong tương lai gần sẽ hướng đến sản xuất dòng xe hybrid và xe điện (EV). Bên cạnh đó, nhà máy còn sản xuất các linh kiện, phụ tùng ô tô cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và các đối tác hướng tới việc xuất khẩu.
Thông tin được khẳng định chính thức khi ngày 2/11, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Tập đoàn Geleximco và Công ty trách nhiệm hữu hạn Ô-tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) đã ký kết hợp đồng nguyên tắc về Dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô-tô tại Khu kinh tế Thái Bình.
Trong giai đoạn 1 (2024-2030) vốn đầu tư dự kiến vào nhà máy sẽ là 220 triệu USD, sản xuất 50 nghìn ô-tô/năm; giai đoạn 2 (2031-2033) vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, sản xuất 100 nghìn ô-tô/năm và giai đoạn 3 (2034-2035) vốn đầu tư ước khoảng 380 triệu USD, sản xuất 200 nghìn ô-tô/năm.
Tổng nhu cầu đất cho xây dựng nhà máy khoảng 100ha đáp ứng quy mô sản xuất 200 nghìn ô-tô/năm và 100ha phát triển khu công nghiệp phụ trợ phục vụ nhu cầu nội địa hóa để xuất khẩu.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành vào quý 3/2025 và nhà máy đi vào sản xuất hàng loạt từ quý 4/2025.
Như vậy, cùng với VinFast với nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Hải Phòng, nhà máy của Geleximco tại Thái Bình sẽ là máy có quy mô lớn quy mô trăm triệu USD góp thêm vào thị trường xe Việt thêm phần sôi động. Tuy hướng đi của hai “ông lớn” này khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu phát triển nền công nghiệp ô tô còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Tình hình kinh doanh bết bát của Geleximco
Mặc dù tham vọng cực lớn trong lĩnh vực ô tô xe máy, tuy nhiên tình hình tài chính của Geleximco lại chưa thực sự như mong đợi đối với các nhà đầu tư. Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Geleximco vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 66 tỷ đồng, giảm hơn 86% so với mức 488 tỷ đồng của năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) vì thế giảm từ 4,26% năm 2021 xuống còn 0,57% năm 2022.
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt hơn 11.516 tỷ đồng, tăng hơn 66 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bằng 1,43 lần, tương ứng nợ phải trả hơn 16.468 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tại cuối kỳ ở mức 4.146 tỷ, giảm 7% sau một năm.
Đặc biệt, kết thúc quý II/2023, công ty này ghi khoản đang lãi sau thuế hơn 15,8 tỷ đồng, giảm mạnh so với kết quả 337 tỷ đồng lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó giảm từ 2,6% cùng kỳ xuống 0,12%.
Tính đến ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Geleximco ghi nhận đạt 12.810 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận 2,2 lần, tương ứng Geleximco đang có nợ phải trả đạt 28.182 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp đạt 4.611 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2023, Geleximco có 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị theo mệnh giá 3.871 tỷ đồng. Trong đó, có 1 lô trái phiếu đáo hạn vào năm 2024, 3 lô còn lại với tổng trái phiếu đang lưu hành là 2.723 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong 3 tháng cuối năm 2023.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)