Cụ thể, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Dự thảo đề xuất, từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025: Mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/2/2025 trở đi: Mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương.
Theo Bộ Tài chính, đánh giá tình hình KT-XH cho thấy bình quân 5 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,03%). Những khó khăn về kinh tế chung... đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.
Trước thực tế tình hình tiêu thụ ô tô giảm mạnh, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm ô tô.
Việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng như một giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng.
Cũng theo Bộ Tài chính, dự kiến, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.
Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng.
Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, từ đó có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã 3 lần trình Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 để giảm 50% mức thu LPTB đổi với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020); Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 để tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022); Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 để tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023).
Việc áp dụng chính sách này cũng đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế. Để góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp, tạo đà để phục hồi tăng trưởng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.
Anh Nguyễn