Lần đầu tiên đi công tác Lào, đón tôi ở sân bay Viêng Chăn là một cán bộ Lào đã từng học ở Việt Nam hơn 7 năm cùng khả năng nói tiếng Việt rất tốt. Xe di chuyển chậm về trung tâm thành phố, cứ qua mỗi giao lộ anh ta lại dừng lại nhìn hai bên rồi đi tiếp. Tôi sốt ruột nhắc anh ấy rằng 90 phút nữa tôi sẽ có một cuộc họp quan trọng, đi chậm vậy có kịp hay không?
Anh ta nhìn qua gương, cười, nửa đùa nửa thật bảo: "Này, nếu biết vội như thế sao không đi từ hôm qua?". Bỗng giật mình, quả thật cái việc luôn căn thời gian như kẻ chỉ, nước đến chân mới nhảy luôn dễ làm con người ta bồn chồn, sốt ruột, dễ hỏng việc và quan trọng nhất là lái xe trong vội vàng mà cẩu thả.
Đường phố Lào hẹp, nắng nóng vỡ đầu, chật hẹp, hỗn hợp ô tô cùng luộm thuộm tuk tuk, xe gắn máy... Nhưng họ nhường nhịn nhau "từng ly từng tý", xe chuyển hướng thì xe ngược chiều phanh từ xa nhường. Bên này đi qua cúi đầu cảm ơn, nhưng không phải ai cũng làm vậy. Nếu cất hết đống ô tô trên phố, Viêng Chăn giống như Hà Nội những năm 1990, nhà cửa thấp, nhiều cổ thụ. Ngoài phố tuyệt nhiên không có tiếng còi, nghe rõ tiếng chim trên cây thi thoảng sà xuống đường. Một không gian an lành đến lạ.
Người Lào lái xe cẩn trọng, dừng đỗ đèn đỏ luôn giữ khoảng cách xa tới vài mét với xe đi trước, kể cả trong phố. 10 ngày ở Viêng Chăn, tôi cố gắng dỏng tai để xem nghe được bao nhiêu tiếng còi, con số là 1, khi một chiếc xe máy tạt ngang vội vàng, chỉ 1 tiếng "pim" cảnh báo nguy hiểm.
Ảnh minh họa. |
Sáng nay đi làm khi đã về Hà Nội, trời mưa khiến đường Thụy Khuê càng ùn ứ. Một chiếc xe Mercedes-Benz lao ra đường khá nhanh từ khu chung cư cao cấp. Chiếc xe sang xi-nhan chen ngang dòng xe xuôi chiều để rẽ trái, anh cảnh sát phường ra hướng dẫn tài xế rẽ phải để tránh ùn vì vướng rất nhiều phương tiện. Lái xe Mercedes-Benz hạ kính đôi co và buông những "mỹ từ" không hề lọt tai chút nào. Và dòng xe bó cứng thêm 10 phút bởi sự từ chối đó.
Thoáng buồn, không cần anh ấy phải đi từ hôm qua, chỉ thức dậy sớm thêm chừng 30 phút thôi, có khi đã không phải vội đến vậy.
CU TRÍ