Ông Nguyễn Tô An: "Mấu chốt là phải thay đổi cách quản lý xe đạp điện". Ảnh: Internet |
Những chiếc xe đạp điện được “kích tốc” đi với tốc độ “bàn thờ” đang khiến nhiều bậc phụ huynh, các chuyên gia vô cùng lo ngại. Vậy thực trạng quản lý loại xe này đang được thực hiện ra sao?
Theo số liệu mới nhất từ cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện số đơn vị đang tham gia lắp ráp mô tô xe máy điện là 40 doanh nghiệp. Tổng số các đơn vị đang tham gia lắp ráp xe đạp điện là 29 doanh nghiệp.
Thống kê cho thấy sản lượng mô tô, xe gắn máy điện và xe đạp điện xe mô tô, xe gắn máy điện và xe đạp điện chủ yếu được lắp ráp trong nước. Sản lượng xe nhập khẩu chiến tỷ lên rất nhỏ và hiện nay gần như không còn xe nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đối với xe đạp điện khi đưa ra thị trường phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể như sau: Việc kiểm tra chứng nhận được thực hiện chứng nhận theo thông tư số 41/2013/TT-BGTVT. Các quy chuẩn áp dụng cho xe và linh kiện sử dụng để lắp ráp xe đạp điện gồm: Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho xe (QCVN68/2013/BGTVT và Sửa đổi 1:2015 QCVN68/2013/BGTVT, áp dụng đối với toàn xe; Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho linh kiện sử dụng để lắp ráp xe: QCVN75/2014/BGTVT (Động cơ); QCVN76/2014/BGTVT (Ắc quy sử dụng cho xe đạp điện);
Trước thông tin PV báo Người Đưa Tin trao đổi về việc nhiều cửa hàng, đại lý công khai hướng dẫn “kích tốc” cho xe đạp điện lên quá tốc độ cho phép, ông Nguyễn Tô An cho rằng: “Việc làm đó là sai phạm. Các cửa hàng, đại lý cũng vi phạm và người sử dụng xe đạp điện “kích tốc” cũng vi phạm. Quy chuẩn về giới hạn chế tốc độ xe đạp điện là không quá 25km/h. Các đơn vị bán xe đạp điện cố tình hướng dẫn cho người sử dụng cách can thiệp bộ điều khiển giới hạn tốc độ của xe ở trên xe là sai, không có quy định nào cho phép cả. Nó có thể gây mất an toàn cho người điều khiển”.
Ông An chia sẻ một thực tế là các cửa hàng bán xe lại thuộc phạm vi, thẩm quyền của quản lý thị trường. Riêng xe đạp điện, vẫn còn một số xe chưa được cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận hợp quy nhưng vẫn được bày bán. Vì xe đạp điện không phải đi đăng ký nên có một lượng xe sản xuất “chui” không quả kiểm soát, không qua đăng kiểm…bày bán trên thị trường. Tem hợp quy thậm chí có thể làm giả cũng có và nhiều sản phẩm không có tem hợp quy cũng bán.
“Xe đạp điện trong tiềm thức người dân Việt Nam vẫn gắn với phương tiện đơn giản, thô sơ. Nhưng xe đạp điện nó lại không phải thế, bàn đạp ở xe chẳng qua chỉ hỗ trợ khi xe bất ngờ hết điện. Một khi xe được điều chỉnh tốc độ vượt quá 25km/h thì nó là tốc độ của xe máy rồi. Ý thức về sự an toàn của những người thay đổi thiết kế, thay đổi vận tốc là rất kém. Tôi nghĩ mấu chốt là phải thay đổi cách quản lý đối tượng này để giải quyết được các xe sản xuất “chui”, thay đổi thiết kế vẫn được ra thị trường. Tôi cũng mong người dân vì an toàn của chính bản thân mình và con cái không nên mua, sử dụng những chiếc xe như vậy”, ông An nói.
Đỗ Thơm