290.000 đồng cho chuyến đi hơn 5km với AVIGO
Chia sẻ của anh A.N (thường trú tại Hà Nội), ngày 14/6/2023 vừa qua, anh bay từ Hà Nội vào TP.HCM có công việc. Vì thường xuyên đi lại ở sân bay, lại khá tin tưởng vào việc quản lý về cước taxi tại Tân Sơn Nhất nên khi được một tài xế của AVIGO mời đi xe, anh A.N cũng không cẩn thận hỏi lại giá. Thế nhưng, bất ngờ khi đến nơi, tài xế chỉ đưa cho anh một tờ giấy có nội dung “Hợp đồng vận chuyển hành khách”, có logo chìm của AVIGO, với giá trị số tiền chuyến đi là 290.000 đồng.
“Bình thường, quãng đường từ sân bay tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, chỉ chừng trên 100.000 đồng tiền taxi, đi nhiều thành quen rồi. Nên khi tài xế đưa biên lai 290.000 đồng, cao gần gấp 3 lần tôi khá bất ngờ. Hỏi lại thì tài xế bảo đây là xe hợp đồng, trước đó tôi không hay biết, chỉ nghĩ là taxi. Điều đáng nói là, có là xe hợp đồng thì khi khách lên xe, tài xế phải thông báo giá cước và phải có sự xác nhận của tôi, thế nhưng tôi hoàn toàn không biết gì. Chỉ đến khi thanh toán mới té ngửa. Với những khách như tôi, tin tưởng vào sự quản lý giá cước của sân bay, chủ quan nghĩ rằng có hơn kém cũng không nhiều thì đến lúc nhận hóa đơn, chắc chắn đều có cảm giác bất ngờ, giống như bị bẫy vậy. Khách đã lên xe rồi, đi đến nơi rồi mới báo giá tiền thì sự đã rồi”, anh A.N cho biết.
Về vấn đề này, PV Người Đưa Tin đã có liên hệ với số hotline trên “Hợp đồng vận chuyển hành khách” của AVIGO là 02822422229, sau đó được chuyển đến một số hotline khác của riêng bộ phận xe hợp đồng sân bay là 0969544311. Khi được đề cập đến trường hợp khách hàng A.N., nhân viên tổng đài cũng cho biết, giá cước 290.000 đồng cho chuyến đi từ Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Bình Khiêm – thuộc quận 1 là đúng với giá của công ty, tuy nhiên khi được hỏi cách tính cước của AVIGO cho các chuyến đi như thế nào, nhân viên này lại cho biết “Đây là bảng giá nội bộ, khi khách hàng tới thì mới mở ra xem. Bên em không chia sẻ rộng ra bên ngoài. Nếu anh chị muốn biết, mời anh chị qua công ty để xem” (?).
Về việc tài xế không có thỏa thuận về cước, cũng như không có sự xác nhận đồng ý của khách về giá cước mà chỉ đến phút chót, khi hoàn tất chuyến đi mới báo, nhân viên tổng đài cho biết: “Có thể lúc đó khách quá đông nên tài xế cũng vội quên không thông báo với khách hàng”.
Nhân viên tổng đài của AVIGO cũng cho biết thêm, xe của hãng được phân đậu ở làn xe dịch vụ, không phải làn xe taxi.
Theo tìm hiểu của PV, tại phần giới thiệu dịch vụ trên trang web của công ty này, Avigo Car bao gồm “Taxi hợp đồng từ sân bay Tân Sơn Nhất, ô tô đi chung từ sân bay Tân Sơn Nhất và cho thuê xe nguyên chiếc 4-17 chỗ”, vậy trong trường hợp chuyến đi của anh A.N sẽ được tính là trường hợp nào. Nếu là hợp đồng, việc không có sự xác nhận, đồng thuận, không có chữ ký của khách hàng liệu có được tính là hợp lệ?
Hợp đồng vận chuyển hành khách không hợp lệ, vi phạm về quy định kinh doanh vận tải hành khách
Theo luật sư Lê Hằng – Văn phòng luật TAT Law Firm, nếu theo đúng như những ý kiến mà khách hàng phản ánh thì chuyến đi như trên của AVIGO đang có một số vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và hợp đồng dịch vụ không hợp lệ.
Theo luật sư Lê Hằng, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất ký hợp đồng với các hãng xe trong đó có hãng AVIGO để được phép được hoạt động tại khu vực đón khách riêng của nhà ga. AVIGO là một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, xe của hãng AVIGO không phải xe taxi mà là xe hợp đồng. Hợp đồng kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản giấy hoặc điện tử (là hợp đồng vận chuyển hoặc hợp đồng điện tử) giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải.
Tại điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thì “Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe” và khi vận chuyển hành khách, lái xe còn phải mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản giấy của đơn vị kinh doanh vận tải đã ký kết.
“Trường hợp này mặc dù có hợp đồng vận chuyển khách hàng nhưng không có chữ ký của khách thì hợp đồng không hợp lệ và không phát sinh giao dịch. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ có quyền yêu cầu bên cung cấp dịch vụ làm rõ các nội dung của giao dịch, nếu trong trường hợp không đồng ý thì khách hàng có quyền từ chối giao dịch hoặc hợp đồng”, luật sư Lê Hằng khẳng định.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về quyền của người tiêu dùng “được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.
Trên cơ sở các thông tin mà đơn vị dịch vụ đã cung cấp thì người tiêu dùng hoặc người sử dụng dịch vụ có quyền lựa chọn dịch vụ hay quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch.
Tài xế thuộc đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện thông báo nội dung của hợp đồng trước khi vận chuyển hành khách, tuy nhiên tài xế đã không thông báo là vi phạm quy định về thông báo trước nội dung hợp đồng, nội dung giao dịch. “Với trường hợp này, tài xế không thực hiện thông báo cho khách hàng, không có thỏa thuận từ trước là rõ ràng có sai phạm”, luật sư Lê Hằng nhấn mạnh.
Luật sư cũng khuyến cáo thêm các hành khách, khi thực hiện di chuyển ở một số địa điểm như bến xe, nhà ga, sân bay,… đây là những địa điểm khá phức tạp, mặc dù cơ quan chức năng liên tục có những biện pháp kiểm soát nhưng không loại trừ có những trường hợp “bị lọt”, thậm chí bẫy khách hàng, vì vậy trước khi thực hiện các giao dịch, chuyến đi cần hỏi kỹ về giá cả, khi cần thiết cần có thỏa thuận cụ thể để tránh rơi vào thế sự đã rồi.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất xử phạt các công ty taxi vì gian lận cước
Liên quan đến hoạt động quản lý giá cước taxi, mới đây Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vừa thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi đối với Công ty TNHH Vận tải Sài Gòn Taxi (Cheap taxi) và Công ty Cổ phần Vận chuyển Sài Gòn Tourist (Saigontourist taxi) kể từ 0h ngày 22/6 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, ngày 19/6, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra taxi BKS 51F-495.26 của hãng taxi Saigon Tourist và taxi mang BKS 60E-00734 của hãng Saigon Cheap.
Cơ quan chức năng phát hiện trên 2 taxi này đều gắn thiết bị nhằm gian lận giá cước. Thanh tra Sở GTVT TP.HCM lập biên bản xử phạt 2 tài xế với số tiền 700.000 đồng/người và công ty là 11 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phạt tước phù hiệu taxi trong 2 tháng.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cũng đã yêu cầu tất cả đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tại Cảng thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định hợp đồng, chấn chỉnh hoạt động của nhân viên tại Cảng.
Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải tại Cảng, đặc biệt giải quyết tình trạng gian lận giá, ép giá, chèo kéo khách, xe “dù”…, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đề nghị các đơn vị chức năng như Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ hàng không miền Nam, Đồn công an Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hỗ trợ Cảng tăng cường việc kiểm tra, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng gian lận đồng hồ tính cước theo quy định pháp luật.
Nguyên Đỗ