Dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán là lúc lưu lượng giao thông tăng đột biến vì nhu cầu di chuyển, thăm hỏi tăng cao. Sự hỗn loạn có thể dẫn tới những hành vi phạm luật của người điều khiển ô tô, xe máy. Dưới đây là những lỗi dễ gặp, với mức phạt tương ứng được quy định trong Nghị định 46/2016.
Vào dịp Tết, các lái xe cũng như người tham gia giao thông nên lưu ý tránh mắc những lỗi dưới đây
1. Người ngồi trên ôtô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy: phạt tiền 100.000-200.000 đồng.
2. Chở quá số người quy định: phạt 300.000-400.000 đồng.
3. Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường: phạt 600.000-800.000 đồng.
4. Dừng, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông: phạt 800.000-1.200.000 đồng.
5. Khi đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định: phạt 100.000-200.000 đồng.
6. Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước: phạt 300.000-400.000 đồng.
7. Lùi xe ở đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều": phạt 300.000-400.000 đồng.
8. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định:
- Từ 5 đến dưới 10 km/h: ôtô 600.000-800.000 đồng, xe máy 100.000-200.000 đồng.
- Từ 10 đến 20 km/h: ôtô 2-3 triệu đồng, xe máy 500.000-1.000.000 đồng.
- Từ 20 đến 35 km/h: 5-6 triệu đồng, xe máy 3-4 triệu.
- Trên 35 km/h: 7-8 triệu đồng, xe máy 3-4 triệu.
9. Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: phạt 1.200.000-2.000.000 đồng.
Dịp lễ, Tết càng cần nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra là những mức phạt cụ thể với những tài xế trong hơi thở có nồng độ cồn
- Phạt tiền 2-3 triệu đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
- Phạt tiền 7-8 triệu đồng với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.
- Phạt tiền 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 4-6 tháng.
Với người điều khiển xe máy, mức phạt vi phạm nồng độ cồn như sau
- Phạt tiền 1-2 triệu đồng với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.
- Phạt tiền 3-4 triệu đồng với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; hoặc điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.
Ngoài ra, người điều khiển và ngồi trên xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy có thể mắc lỗi phổ biến là không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai đúng cách, thì mức phạt là 100.000-200.000 đồng.
Theo VnExpress