Luôn là cái tên không thể thiếu trong top những mẫu xe ế nhất thị trường Việt Nam hàng tháng. Trong tháng 4/2017, doanh số bán ra của Mitsubishi Outlander Sport chỉ vỏn vẹn 1 chiếc, giảm 4 xe so với doanh số 5 xe bán ra của tháng 3/2017.
Đây thực sự là thông tin khá sốc đối với nhiều người khi mẫu xe này từng được các chuyên gia đánh giá cao khi đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao (cao nhất) theo đánh giá của tổ chức EURO NCAP và ANCAP, bên cạnh đó là chứng nhận "Top Safety Pick +" từ IIHS - Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ.
Với đà đi xuống không có điểm dừng, Mitsubishi Outlander Sport được nhiều người dự đoán trong thời gian tới, vẫn sẽ tiếp tục "soán ngôi" Mitsubishi Pajero, Mekong Premio & Mekong Pronto để giữ vị trí đầu bảng trong top xe ế nhất thị trường.
Mitsubishi Outlander Sport tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng về doanh số khi chỉ bán ra được 1 chiếc trong tháng 4/2017. |
Định vị là đối thủ nặng ký của Mazda CX-5, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất của Mitsubishi Outlander Sport chính là có kích thước nhỏ nhất so với các đối thủ cùng phân khúc, khoang chứa đồ hẹp đặc biệt là thiết kế không gian nội thất đơn giản.
Kích thước của Outlander Sport ngắn hơn 275 mm, hẹp hơn 70 mm và thấp hơn 85 mm, khoảng sáng gầm xe thấp hơn 15 mm so với CX-5 (ví dụ so sánh giữa Mazda CX-5 2.0 2WD và Mitsubishi Outlander Sport 2.0 GLS).
Về diện mạo bên ngoài, Outlander Sport được đánh giá không có nhiều sự nổi bật khi vẫn sở hữu những đường nét thiết kế già cỗi, kém sang trọng. Ở bên trong, không gian nội thất là các chi tiết kết hợp giữa các tính năng tiện ích với các vật liệu chất lượng cao nhưng không quá phức tạp. Phần hàng ghế sau do khoảng trần thấp khiến cho không gian bị eo hẹp, nếu 3 người lớn ngồi sẽ gây cảm giác khó chịu khi di chuyển trên các cung đường dài.
Mặc dù là xe nhập khẩu nhưng tiện nghi của Outlander Sport vẫn xếp dưới CX-5 một bậc, hơn nữa việc để vô-lăng trọc được cho là thiếu "thẩm mỹ" và bất tiện khi sử dụng các tiện ích khác sẽ khiến Outlander Sport mất điểm trước khách hàng với nhu cầu sử dụng hiện nay.
Về khả năng vận hành, so với đối thủ Mitsubishi Outlander Sport kém hơn Mazda CX-5 về cả công suất lẫn mô-men xoắn. Cụ thể, CX-5 động cơ xăng SKYACTIV-G 2.0L DOHC 16 van với 4 xylanh cùng hệ thống van biến thiên cho công suất 155 mã lực tại vòng tua 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 203 Nm tại 4.000 vòng/phút đi cùng hộp số tự động 6 cấp.
Khả năng vận hành của Mitsubishi Outlander Sport kém hơn đối thủ Mazda CX-5 về cả công suất lẫn mô-men xoắn. |
Trong khi đó, Outlander Sport là khối động cơ MIVEC 2.0 4B11 (16 van – DOHC) cho công suất 148 mã lực tại 6.000 vòng/phút, mô-men xoắn cực đại 197 Nm tại 4.200 vòng/phút đi cùng hộp số vô cấp, đồng thời tích hợp chế độ Sport Mode.
Một trong những ưu điểm nổi bật của Mazda CX-5 nằm ở hệ thống treo khá tốt nên vận hành hầu như rất êm ái ở các loại địa hình, với lợi thế gầm cao và bánh lớn của CX-5 bạn sẽ không phải lo lắng dù đi trong phố hay ngoại thành.
Tuy nhiên, việc Mitsubishi Outlander Sport được trang bị chế độ Sport Mode kết hợp cùng lẫy chuyển số mang lại cảm giác bốc và độ bức phá tốt hơn CX-5. Tuy nhiên, do không được trang bị cân bằng điện tử nên độ ổn định khi gặp các khúc cua gấp sẽ kém hơn so với CX-5.
Về trang bị an toàn, Mitsubishi Outlander Sport đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao (cao nhất) theo đánh giá của tổ chức EURO NCAP và ANCAP, bên cạnh đó là chứng nhận "Top Safety Pick +" từ IIHS - Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ gồm hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh EBD, hỗ trợ phanh gấp BA, túi khi đôi hàng ghế trước, hệ thống chống tăng tốc đột ngột, vô-lăng trợ lực điện...
Việc một mẫu xe đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao danh giá từ các tổ chức hàng đầu thế giới nhưng doanh số bán ra lại khá lạnh nhạt gần như ‘đóng băng’ tại thị trường Việt Nam. Hiện khá nhiều người đang đặt ra câu hỏi liệu mẫu xe Outlander Sport của Mitsubishi thực sự phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước hay không.
Lê Ngà