Hà Nội thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trong 12 tháng
UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn thành phố theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội với thời gian thí điểm 12 tháng khi bảo đảm điều kiện về mặt bằng, phương tiện và các quy định có liên quan.
Theo đó, các đơn vị nêu trên điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi phù hợp với tình hình thực tế, không trùng lặp tuyến và mô hình thí điểm xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT đang triển khai theo đề xuất của Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.
Thành phố cũng giao các đơn vị này thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện, sau 12 tháng thí điểm có tổng kết, đánh giá về chất lượng, hiệu quả của các mô hình và tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thành phố cũng giao Ủy ban Nhân dân các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân cùng với Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan hướng dẫn đơn vị triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị đảm bảo các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật có liên quan để tổ chức thực hiện trước ngày 15/12/2022.
Đề xuất tăng vốn bảo trì đường bộ năm 2023 lên gần 12.000 tỷ đồng
Cục Đường bộ cho biết đã xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2023 và trình Bộ Giao thông vận tải với kinh phí 11.829 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, sau khi trình kế hoạch, Cục sẽ “quyết liệt theo sát Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành phê duyệt bổ sung kế hoạch bảo trì năm 2023, giao dự toán chi năm 2023; hoàn thành rà soát, đề xuất công trình bổ sung năm 2023 để sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo trì”.
Theo đó, Cục sẽ tập trung đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư 3 dự án chưa được phê duyệt dự án đầu tư, gồm 2 dự án đầu tư xây dựng và 1 dự án hệ thống công nghệ thông tin có tổng mức đầu tư dự kiến 15.061 tỷ đồng.
Cục Đường bộ cũng phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức tập huấn, triển khai mở rộng dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên cổng dịch vụ công quốc gia trên phạm vi toàn quốc.
Về phòng, chống thiên tai, Cục đã ban hành 2 công điện chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đồng thời, ban hành 27 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 với kinh phí khoảng 35 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cục Đường bộ tổ chức họp đàm phán, rà soát phương án tài chính của các hợp đồng BOT, để dừng thu phí đúng thời hạn. Ngày 23/11/2022, Cục Đường bộ có Công văn số 1246/CĐBVN-TC gửi nhà đầu tư Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) yêu cầu giải quyết các nội dung tồn tại và dự kiến tạm dừng thu phí dự án BOT Quốc lộ 51 qua Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu từ ngày 17/12 tới đây.
Cục Đăng kiểm 'sờ gáy' xe container hoán cải
Cục Đăng kiểm vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo xử lý lái xe, chủ xe sử dụng phương tiện chở container hoán cải có thông số không phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật.
Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Sở GTVT các địa phương chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra và xử lý hành vi chở hàng tham gia giao thông vi phạm quy định hiện hành.
Tiếp đó, Cục này yêu cầu các Sở GTVT báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp kiểm tra và xử lý vi phạm đối với những xưởng cơ khí thực hiện thi công, độ, chế các container.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, những container đã bị hoán cải, sửa chữa chở hàng, bản chất không còn đúng quy chuẩn về một chiếc container thông thường, mà thực chất là một thùng chở đồ lắp trên xe.
Tùy thuộc vào thể tích của container và hàng hóa, tải trọng sẽ vượt so với quy định từ 3 - 4 lần, làm hư hỏng kết cấu cầu đường. Chưa kể, hệ thống lốp, phanh cũng không chịu nổi sức nặng, quá trình lưu thông có thể gãy khung, nổ lốp, thậm chí khi vào cua còn có thể gây lật xe, rất mất an toàn.
Chỉ đạo “nóng” về nhượng quyền thu phí cao tốc?
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại dự án cao tốc đầu tư công.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, dù nguồn lực Chính phủ phân bổ phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ trong giai đoạn 2021 – 2025 lên đến hơn 300.000 tỷ đồng, nhưng để hoàn thành được quy hoạch đã được phê duyệt vẫn cần nguồn lực xã hội rất lớn.
Bởi vậy, Bộ GTVT cần tìm phương án tháo gỡ các vướng mắc này thông qua việc xây dựng chính sách để có thể thu hút tối đa nguồn lực xã hội thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Trong đó, có việc nghiên cứu nhượng quyền thu phí tại các dự án cao tốc đầu tư công. Và phương án nhượng quyền thu phí được coi là giải pháp tốt.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, thực tế tại các dự án BOT giao thông cho thấy, khi làm dự án, phương án tài chính rất ổn, nhà đầu tư rất yên tâm nhưng sau đó lại có thêm các dự án khác được đầu tư bằng vốn ngân sách phân lưu dòng phương tiện, gây hụt doanh thu của dự án BOT.
Bộ trưởng nhận định, phương thức nhượng quyền thu phí cao tốc nếu thực hiện được sẽ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp Nhà nước thu hồi được vốn ngay để tiếp tục đầu tư các dự án giao thông khác. Tuy nhiên, để đạt được điều này “phải có sự đột phá” và “đáp ứng được yêu cầu của DN trong nước và nước ngoài”.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)