Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch 152/2014 của Bộ Tài chính và Bộ GTVT (hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ), tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện niêm yết giá theo quy định, phải lập văn bản kê khai giá và gửi thông báo mức giá cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá.
Quy định là như vậy nhưng nhiều nhà xe vẫn cố tình vi phạm, tăng giá vé gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, gấp ba vào những dịp cao điểm, ngày Tết, gây khó khăn cho hành khách. Để bảo vệ quyền lợi của bản thân, hành khách nên nắm rõ hành vi này có thể bị phạt nặng để phản ánh với cơ quan chức năng, kịp thời phát hiện xử lý.
Theo Điều 13 Nghị định 109/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn), hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị phạt tiền thấp nhất từ 1 triệu đến 55 triệu đồng, tùy theo tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá.
Mức phạt cụ thể còn được chiếu theo Quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (Nghị định 100) vừa có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2020 vừa qua.
Cụ thể, theo Điểm l Khoản 3 Điều 23 Nghị định 100 thì hành vi điều khiển xe kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng không trao vé cho khách, thu tiền vé cao hơn quy định sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
(Ảnh minh họa) |
Tại Khoản b, Điểm 4, Điều 28 Nghị định 100 cũng quy định sẽ phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi: “Không thực hiện việc đăng ký, niêm yết hoặc niêm yết không chính xác, đầy đủ theo quy định về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm đ, khoản 2 điều này.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm b, Khoản 9 Điều 23 Nghị định 100 quy định về hình thức xử phạt bổ sung thì những người thực hiện hành vi quy định tại Điểm I khoản 3 Điều này (trường hợp thu tiền vé cao hơn quy định) còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Tại Điểm a, Khoản 10 Điều 28 Nghị định 100 còn quy định mức xử phạt bổ sung bao gồm Tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 01 tháng đến 03 tháng (nếu có hoặc đã được cấp) đối với xe vi phạm. Điểm a, Khoản 11 Điều này cũng yêu cầu các phương tiện vi phạm phải đăng ý, niêm yết đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định.
Huệ Đỗ