Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 8/6/2020, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ô tô nhập khẩu từ EU theo lộ trình 10 năm, thuế suất giảm về 0% vào năm 2030. Theo đó, ô tô con thuộc nhóm B9 (có dung tích xi lanh dưới 3.0L) thuế suất cơ sở 78% được xóa bỏ sau 10 lần cắt giảm đều, mỗi năm một lần.
Đối với xe con nhóm B10 (xe có dung tích xi lanh trên 3.0L) thuế suất cơ sở 74% được xóa bỏ sau 11 lần cắt giảm đều, mỗi năm một lần.
Với mức thuế suất cơ sở là thuế nhập khẩu (chưa gồm TTĐB, VAT) trung bình trên 76% hiện hành, mức giảm thuế theo lộ trình 11 năm giúp xe xuất xứ châu Âu được giảm thuế cơ sở 7% mỗi năm.
Đáng chú ý, theo hiệp định đã ký, dòng xe sang có dung tích xi-lanh lớn lại có lộ trình giảm thuế nhanh hơn hơn loại xe dung tích xi-lanh nhỏ.
Theo Nghị định 116/2022 (về thực thi thuế suất EVFTA giai đoạn 2022 - 2027), năm 2024 mức thuế suất đối với xe chở người giảm hơn 7% so với năm trước. Từ 1/1/2024 nhóm xe chở người (mã HS 87.03.23) kiểu loại sedan, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ 49,6% xuống còn 42,5% (-7,1%). Riêng loại xe sedan dung tích xi-lanh trên 2,5L thuế nhập khẩu từ EU chỉ còn 40,3%.
Ví dụ một chiếc Skoda Karoq nhập nguyên chiếc từ CH Séc có giá khai báo hải quan khoảng 30.000 USD, từ 1/1 thuế nhập khẩu sẽ giảm khoảng 2.100 USD, tương đương 48 triệu đồng/chiếc. Các sắc thuế chồng lên thuế nhập khẩu, gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng sẽ giảm tiếp, dựa trên thuế cơ sở giảm 7,1%. Theo tính toán mức giảm hai sắc thuế này khoảng 90 triệu đồng/chiếc. Như vậy, thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và VAT của một chiếc xe có khai báo hải quan khoảng 30.000 USD sẽ giúp hạ giá chiếc xe khoảng 140 triệu đồng trong năm nay.
Ngoài ra, năm 2024 cũng là năm cuối cùng trước khi phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô của EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 8/6/2025. Theo đó, từ 8/6/2025 Việt Nam công nhận toàn bộ chứng nhận hợp chuẩn, theo hệ thống tiêu chuẩn của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) tức là mọi rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính về nhập cảng ô tô bị dỡ bỏ.
Những quy định kể trên đang từng bước tháo gỡ hàng rào thuế quan - liên quan trực tiếp đến giá mỗi chiếc xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam. Từ đó, đem lại mức giá tốt hơn cho người tiêu dùng. Với mức thuế suất như vậy, theo nhiều chuyên gia sẽ là động lực tốt để thúc đẩy các hãng xe lớn thế giới, đặc biệt đến từ các nước châu Âu tìm đường quay trở lại Việt Nam trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong tầm nhu cầu của bản thân.
Trước đó không lâu, tháng 11/2023, tại sự kiện công bố đối tác chính thức, ông Ferry Enders, Giám đốc điều hành, nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam cho biết, Audi Việt Nam không có nhà máy lắp ráp và không có ý định mở nhà máy tại Việt Nam. Chiến lược của hãng là tin tưởng vào sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức để mang lại chất lượng đỉnh cao cho khách hàng. Điều này cũng được củng cố và làm rõ hơn bởi ông Trần Tấn Trung, cổ đông hiện hữu của Audi Việt Nam đồng thời là Tổng giám đốc, nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam. Theo ông Trần Tấn Trung, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tới năm 2030, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ châu Âu về Việt Nam sẽ là 0%. Trước đó, năm 2025, mức thuế nhập khẩu này là 35%. Với mức thuế nhập khẩu 35% thì lợi thế cạnh tranh về thuế của xe lắp ráp trong nước không còn nhiều.
Như vậy, trong những năm tiếp theo, khi mức thuế suất nhập khẩu xe ô tô từ các nước châu Âu giảm dần cũng sẽ gia tăng áp lực đối với các thương hiệu sản xuất, lắp ráp trong nước. Lúc này, thị trường cũng sẽ có nhiều thay đổi đáng kể về giá cả.
Anh Nguyễn (tổng hợp)