Quyết định tạm ngừng giao và bán 3 mẫu xe kể trên được đưa ra sau khi Bộ Đất đai, Hạ Tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) chỉ ra những bất thường trong quá trình kiểm định an toàn trước đây của các thương hiệu Honda, Toyota, Mazda, Suzuki và Yamaha.
Cụ thể, ngày 3/6, Toyota đã đưa ra thông báo về việc phát hiện 7 mẫu xe được thử nghiệm bằng các phương pháp khác với tiêu chuẩn của Chính phủ Nhật Bản. Hãng đã chủ động báo cáo tới cơ quan chức năng vào ngày 31/5 trước đó. Các mẫu xe được nhắc tới bao gồm: Corolla Fielder/Axio, Yaris Cross, Crow, Isis, Sienta và RX. Trong đó, Corolla Fielder/Axio và Yaris Cross có hồ sơ kiểm định kiểu loại liên quan đến dữ liệu không đầy đủ trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe. Bốn mẫu xe còn lại (đã ngừng sản xuất) có liên quan tới lỗi trong phương pháp thử nghiệm va chạm và các thử nghiệm khác. Tuy vậy, Toyota toàn cầu khẳng định không có vấn đề nào về hiệu suất trái với luật pháp và quy định đối với các mẫu xe bị ảnh hưởng.
Thông tin nhanh chóng tạo ra sự chú ý của người tiêu dùng Việt. Trong 3 mẫu xe vừa có quyết định ngừng bán, có Toyota Yaris Cross – là mẫu xe mới được ra mắt thị trường Việt cách đây không lâu.
Tuy nhiên, theo báo cáo của MLIT, 7 mẫu xe nằm trong danh sách của Toyota dều nằm trong giai đoạn 10 năm trước và được sản xuất tại Nhật Bản. Đối với mẫu Yaris Cross bán tại Nhật thì đây là sản phẩm hoàn toàn khác biệt so với mẫu xe cùng tên đang bán tại Việt Nam. Thiết kế tới nền tảng khung gầm của Yaris Cross bán ra tại Nhật Bản đều không liên quan tới sản phẩm tại Việt Nam.
Tại thị trường Việt, mẫu Yaris Cross là xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Cũng theo thông tin từ phía Toyota toàn cầu, Yaris Cross và những mẫu xe bị gọi tên lần này không có vấn đề nào về hiệu suất trái với luật pháp và quy định tại Nhật BẢn. Khách hàng không cần lo lắng và ngưng sử dụng những mẫu xe này.
Tương tự Honda, các thương hiệu khác gồm Honda, Mazda, Suzuki, Yamaha cũng gặp những vấn đề như đối với Toyota. Kết quả điều tra đã chỉ ra những điểm bất thường trong 5 thử nghiệm nằm trong số 2 loại thử nghiệm an toàn của hãng này. Hai mẫu xe bị gọi tên là Mazda2 và Mazda6. Sự việc có ảnh hưởng tới 150.878 chiếc đã được sản xuất và 149.313 chiếc được bán ra.
Vụ việc bị phát hiện sau khi Bộ Giao thông Nhật Bản yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và cung cấp phụ tùng báo cáo các vi phạm liên quan tới quy trình cấp chứng nhận để xe có thể xuất xưởng. Yêu cầu này xuất phát từ vụ bê bối thử nghiệm an toàn của Daihatsu, thương hiệu thuộc tập đoàn Toyota.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Daihatsu thừa nhận đã can thiệp vào quá trình thử nghiệm xe ít nhất là từ năm 1989 và đã dừng toàn bộ hoạt động tại nhà máy. Việc giao xe được nối lại từ tháng 5 năm nay, sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm.
Tuy nhiên, Daihatsu hiện tại không nằm trong số các công ty có liên quan tới sự việc lần này.
Điều thú vị trong vụ việc lần này, là một số dữ liệu thử nghiệm của Toyota gửi lên chính phủ Nhật sử dụng các tiêu chuẩn cao hơn mức cần thiết. Ví dụ, khi thử nghiệm va chạm với người đi bộ cho mẫu Corolla Fielder (wagon) và Corolla Axio (sedan), Toyota đã sử dụng góc va chạm 65 độ theo tiêu chuẩn JNCAP, trong khi quy định của chính phủ Nhật là góc va chạm chỉ 50 độ.
Khi thử nghiệm mẫu Crown và Sienta về nguy cơ rò rỉ nhiên liệu khi xe bị đâm từ phía sau, Toyota đã dùng xe đẩy 1.800kg, nặng hơn nhiều so với tiêu chuẩn chỉ 1.100kg của MLIT.
JNCAP, giống như NCAP, là tiêu chuẩn thử nghiệm va chạm tự nguyện. Tuy nhiên, để đáp ứng được cả tiêu chuẩn tự nguyện JNCP và tiêu chuẩn bắt buộc MLIT, hãng phải thực hiện ít nhất hai bài thử nghiệm. Các kỹ sư của Toyota đã không có đủ thời gian làm như vậy và chỉ nộp dữ liệu thu được từ thử nghiệm theo tiêu chuẩn cao hơn. Các kỹ sư Toyota phải tiến hành thử nghiệm để xuất xưởng khoảng 50 đầu xe mỗi năm và đã nộp hơn 7.000 báo cáo trong 10 năm qua.
Anh Nguyễn (tổng hợp)