Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, kỹ sư Lê Văn Tạch phản biện lại cách giải thích về nguyên nhân dẫn tới gây cháy động cơ hơn 51 vụ cháy xe Mercedes-Benz trên toàn cầu thời gian vừa qua của tập đoàn Daimler AG (Công ty mẹ của hãng Mercedes-Benz).
Daimler AG cho biết: "Nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này chủ yếu là những dòng xe mới của Mercedes-Benz gặp lỗi trong quá trình khởi động xe. Lái xe cố gắng nổ máy nhiều lần dẫn tới nhiệt độ của bộ phận hạn chế dòng trong mô-tơ khởi động tăng quá mức. Điều đó, dẫn tới các bộ phận xung quanh bị nóng chảy và có khả năng cháy cao".
Kỹ sư Tạch cho rằng cách giải thích này chưa chuẩn xác: “Thông thường, trong sơ đồ mạch điện của bộ khởi động người ta sử dụng cầu chì để bảo vệ mô-tơ khởi động. Cách bảo vệ là theo nguyên lý là chì có nhiệt độ nóng chảy thấp hơn rất nhiều so với đồng nên nếu vì một lý do nào đó khiến dòng điện trong hệ thống vượt quá giới hạn sẽ khiến cầu chì bị nóng nên rất nhanh làm tan chảy cầu chì gây đoản mạch trên hệ thống khởi động. Nhờ đó các thiết bị sau cầu chì sẽ được bảo vệ khỏi bị cháy. Cầu chì được tiêu chuẩn hoá và được bảo vệ trong hộp kín nên không thể có khả năng khi cầu chì bị nóng chảy dẫn đến cháy lan sang các chi tiết xung quanh”.
Mercedes-Benz dự tính triệu hồi hơn 1 triệu xe trên toàn cầu do lỗi thiết kế... cầu chì (Ảnh minh họa). |
Chuyên gia này phân tích thêm, nguyên nhân gây cháy ở đây có thể là các mô-tơ khởi động đã được tính toán với hệ số qua tải rất nhỏ khiến mô-tơ bị nóng lên đáng kể sau mỗi lần khởi động. Khi bị nóng thì điện trở dây trong mô-tơ càng tăng nên nhiệt lượng sinh ra càng lớn có thể làm cháy các vỏ nhựa của dây điện rồi lan sang các chi tiết có thể cháy ở khoang động cơ.
Từ những phân tích trên, kỹ sư Lê Văn Tạch lý giải, nếu nguyên nhân là mô-tơ khởi động thì để khắc phục triệt để, nhà sản xuất sẽ phải chọn lại loại có công suất cao hơn. Khi đó chi phí cho việc khắc phục này là khá cao và tốn khá nhiều thời gian.
Với những khách hàng đang sử dụng các dòng xe của Mercedes-Benz trong diện triệu hồi, “người hùng" của Toyota cũng trấn an người sử dụng không nên quá hoang mang khi đã hiểu rõ được “căn bệnh” của xe. Theo đó, mỗi lần “đề pa” máy không nên quá 3 giây và khởi động quá 3 lần liên tiếp. Trong trường hợp sau ba lần khởi động mà vẫn chưa nổ thì nên tạm nghỉ một lúc để cho mô-tơ nguội bớt rồi mới tiếp tục.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa trước đó, tập đoàn xe hơi Daimler AG đã phải triệu hồi 1 triệu xe Mercedes-Benz thế hệ mới trên phạm vi toàn cầu do nguy cơ cháy. Trước đó đã xảy ra liên tiếp 51 vụ cháy xe ô tô có liên quan đến lỗi cầu chì của xe.
Nguyên nhân của đợt triệu hồi lần này theo hãng công bố là chỉ xảy ra trên những dòng xe mới của Mercedes-Benz (sản xuất từ ngày 1/2/2014 - 1/2/2017) gặp lỗi trong quá trình khởi động xe. Lái xe cố gắng nổ máy nhiều lần dẫn tới nhiệt độ của bộ phận hạn chế dòng trong mô-tơ khởi động tăng quá mức. Điều đó, dẫn tới các bộ phận xung quanh bị nóng chảy và có khả năng cháy cao.
Theo thông tin mới nhất từ Mercedes-Benz, ước tính có khoảng 1 triệu xe Mercedes-Benz thuộc diện bị triệu hồi vì nguy cơ cháy lần này. Trong đó, Mỹ có tới 307.629 chiếc.
Những phiên bản bị triệu hồi gồm: Mercedes-Benz C300, C300 4Matic, C300 4Matic Coupe, C300 4Matic Cabrio, C300 Coupe, C350e, C450 4Matic AMG Sport, CLA250, CLA250 4Matic, CLA45 AMG, E300, E300 4Matic, E300 4Matic Wagon, E43 AMG 4Matic, GLA 50, GLA250 4Matic, GLC300, GLC300 4Matic và GLC300 4Matic Coupe.
(Còn tiếp)
Đ.Huệ
Đón đọc kỳ 2: Triệu hồi hơn 1 triệu xe: Mercedes-Benz: Việt Nam đang... nghe ngóng?