Thuật ngữ "mã lực" có tên tiếng Anh “horse power” và Jame Watt là người đầu tiên đưa ra khái niệm trên vào năm 1782. Lúc đầu, Jame Watt chưa phân chia các loại mã lực khác nhau nên sau đó, các nhà khoa học đặt tên cho cách gọi của ông là mã lực cơ học (mechanical horsepower). Một mã lực cơ học có giá trị chính xác 745,69987158227022 W, nghĩa là công suất 1 bóng điện 100 W sẽ bằng 0,13 mã lực.
Để có hình ảnh trực quan hơn, mã lực cơ học được mô tả là công mà một chú ngựa bỏ ra để kéo 33.000 pound (1 pound = 454 gram) lên 1 foot (30,48 cm) trong thời gian 1 phút (minute).
Sau thời điểm Jame Watt đưa ra định nghĩa mã lực, có hàng loạt đơn vị công suất được sáng tạo để phù hợp với điều kiện từng ngành. Tính đến hiện tại, có tới 4 loại mã lực khác nhau gồm: Mã lực cơ học (trùng với định nghĩa của Jame Watt), mã lực theo hệ mét (metric horsepower), mã lực điện (electrical horsepower, sử dụng cho ngành điện) và mã lực nồi hơi (boiler horsepower).
Đối với ngành công nghiệp xe hơi, mã lực cơ học (mechanical horsepower) và mã lực theo hệ mét là phổ biến nhất. Mã lực theo hệ mét khai sinh tại Đức trong thế kỷ 19 và mở rộng sang châu Âu và châu Á. Khi du nhập sang các nước, mã lực hệ mét lại được ký hiệu khác nhau như: “PS” ở Đức, “CV” ở Pháp, “PK” ở Hà Lan. Về cơ bản, các đơn vị này xấp xỉ bằng mã lực cơ học (vào khoảng 98,6%) do chúng được đo bằng các đơn vị khác nhau.
Vì có sự khác biệt nên khi các hãng đua nhau sản xuất động cơ công suất lớn thì mọi chuyện trở nên rối rắm. Thậm chí, công suất động cơ được nâng lên gấp đôi khi chuyển đổi các hệ đo lường khác nhau. Ví dụ, Bugatti luôn cho rằng chiếc siêu xe Veyron 16.4 có công suất lên tới 1.001 mã lực thì ở bờ kia Đại Tây Dương, các kỹ sư Mỹ khăng khăng cho rằng nó chỉ có 980 mã lực theo hệ SAE.
Cách xác định công suất theo mã lực cũng là công việc phức tạp và tốn kém. Công suất động cơ mà các nhà sản xuất ghi trong bảng thông số kỹ thuật xe là công suất cực đại, nghĩa là công suất lớn nhất mà chiếc xe có thể đạt được tại vòng tua nhất định. Đường cong biểu diễn công suất theo số vòng tua máy luôn tồn tại một điểm cực đại, và giá trị công suất tại điểm đó là công suất tối đa của động cơ. Công suất thể hiện cho khả năng đạt vận tốc tối đa của chiếc xe nhưng nó không đại diện cho khả năng tăng tốc. Vì vậy, công suất cao chưa chắc xe đã “bốc” mà còn phụ thuộc vào mô-men xoắn và vòng tua máy.
Gần đây, các nhà sản xuất thường ghi công suất động cơ theo chữ viết tắt là “hp”. Nhưng thỉnh thoảng, vẫn có hãng ghi “bhp” khiến nhiều người phân vân.
Thuật ngữ “bhp” dùng để chỉ giá trị công suất xác định bằng lực kế hãm (brake horsepower). Lực kế hãm được gắn vào đầu trục cơ, sau đó, các kỹ sư sẽ hãm vòng quay để đo lực xoắn của trục cơ trong một khoảng thời gian nhất định. Thứ nguyên “bhp” vẫn được dùng rộng rãi tại Anh, nhưng ở Bắc Mỹ thì cách tính tổng công suất động cơ bằng mã lực (hp) của SAE (Hiệp hội Kỹ sư ôtô Mỹ) lại là cách tính tiêu chuẩn.
Trước 1972, giá trị công suất được đa số các hãng chấp nhận là "hp" theo tiêu chuẩn SAE. Thế nhưng, ngày càng có nhiều hãng đưa ra cách tính khác nhau để phục vụ lợi ích riêng. Có hãng nâng cao công suất để "nịnh" người mua thích công suất lớn nhưng có hãng lại giảm công suất để tránh mức bảo hiểm cao. Giữa các cách đo khác nhau cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Ví dụ, chiếc Chrysler 426 Hemi năm 1971 có công suất 425 mã lực nhưng khi đo lại theo chuẩn mới chỉ còn 375 mã lực.
Vì vậy, công suất mà nhà sản xuất đưa ra chỉ là giá trị tham khảo, còn muốn biết sức mạnh thực sự của chiếc xe, chỉ còn cách lái thử.
Đ.Huệ (tổng hợp)