Bộ Công an bỏ đề xuất phân hạng GPLX
Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (TTAT GTĐB). Dự thảo luật này được Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ sáu (cuối năm 2023).
Điểm đáng lưu ý của dự thảo lần này là Bộ Công an đã bỏ đề xuất phân chia chi tiết các hạng GPLX như dự thảo luật lần trước. Theo đó, tại dự thảo trước, Bộ Công an đề xuất thay đổi phân hạng GPLX, tức sẽ không còn GPLX hạng A1, A4, B1, B2, E, FB2, FD, FE, FC như Luật GTĐB năm 2008 hiện hành. Thay vào đó sẽ là các hạng GPLX như A, A3, C1, C, B...
Bộ Công an cho hay sự thay đổi trên nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo cũng quy định thời hạn một số loại giấy phép lái xe. Đồng thời, đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về hạng giấy phép lái xe, thời hạn giấy phép lái xe.
Công bố kết quả kiểm tra ban đầu vụ ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Liên quan đến sự việc ngập nước cục bộ tại lý trình Km25+419 trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào ngày 29/7/2023 vừa qua, Bộ GTVT đã có công bố kết quả kiểm tra ban đầu.
Trên cơ sở báo cáo của chủ đầu tư và kết quả kiểm tra thực tế rà soát, đánh giá của các chuyên gia cho thấy, quá trình thi công, các đơn vị đã thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Về khẩu độ cống vị trí ngập, kết quả rà soát lại lưu vực và các thông số đầu vào cho thấy vị trí cống Km25+419 được thiết kế với khẩu độ (2,5x2,5)m đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía thượng lưu.
Về nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tình trạng ngập tại vị trí này, Bộ GTVT cho biết, đoạn tuyến nằm sát sông Phan, phía thượng lưu có đập Sông Phan cách vị trí ngập 8,6km. Các đập nói chung sau khi đưa vào vận hành, dòng chảy phía hạ lưu thường có biến đổi.
Sau khi kiểm tra, các chuyên gia đánh giá từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan lòng sông, suối có hệ thực vật xâm lấn, bồi lắng làm thu hẹp dòng chảy, gây dềnh ứ nước cục bộ dẫn đến mực nước tại khu vực cống dâng cao, gây ngập đường.
Đây là tuyến mới, khu vực tuyến đi qua tại thời điểm khảo sát dân cư thưa thớt, việc điều tra số liệu thủy văn khó khăn, tư vấn chưa lường hết được việc thu hẹp dòng chảy phía hạ lưu cống dẫn đến dềnh ứ nước cục bộ.
Theo Bộ GTVT, việc tính toán cao độ thiết kế theo tần suất 1% tại vị trí cống mà chưa xét đến mực nước dềnh là trách nhiệm của đơn vị tư vấn mặc dù không phải là lỗi cố ý.
Về giải pháp xử lý, trước mắt, các chuyên gia đề xuất cần tổ chức thanh thải các chướng ngại vật lòng sông từ vị trí cống về phía hạ lưu cầu sông Phan để tăng khả năng thoát nước và hạ thấp cao độ mực nước dềnh tại vị trí cống.
Để đảm bảo ổn định công trình lâu dài, chủ đầu tư cần thuê một đơn vị tư vấn đầu ngành để tiến hành khảo sát tính toán, xây dựng mô hình toán cho toàn bộ khu vực, từ đó xác định mực nước tương ứng với tần suất thiết kế của dự án.
Căn cứ cao độ mực nước tính toán và các số liệu đảm bảo toàn diện, khoa học, có tính chính xác cao, sẽ xem xét, quyết định giải pháp. Trường hợp cần thiết, có thể nâng cao độ đường đỏ khu vực ngập nếu cao độ tính toán cao hơn cao độ tuyến hiện tại.
TP.HCM ưu tiên triển khai 5 dự án BOT theo cơ chế đặc thù
Chiều 9/8, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã báo cáo chuyên đề về cơ sở lựa chọn và đề xuất Danh mục Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) theo cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua rà soát danh mục, chấm điểm về các tuyến đường trên địa bàn Thành phố phù hợp triển khai theo hình thức BOT trên đường hiện hữu theo Nghị quyết 98/2023/QH15, Sở Giao thông Vận tải Thành phố đề xuất rút gọn 5 dự án cấp bách cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023-2030, với tổng mức đầu tư hơn 37.000 tỷ đồng bao gồm Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) dài 4,6km; Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6km; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến Vành đai 3) dài 9,1km; Dự án mở rộng trục đường Bắc-Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) dài 7,5km và Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ Phạm Văn Chí đến Nguyễn Văn Linh) dài 3,2km.
Việc lựa chọn các dự án cấp bách dựa trên 4 tiêu chí chấm điểm gồm: phù hợp quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ; phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng; có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư khối tư nhân vào dự án BOT.
Nam Lê (tổng hợp)