“Khi vừa lướt qua 1 nắp cống thì vợ chồng tôi nghe tiếng “xịch” rồi xe loạng choạng. Nghĩ xe bị thủng lốp nên tôi ghé tiệm vá xe bên lề đường. Sau khi xem qua một lượt, người thợ sửa xe phát hiện vành (mâm xe) sau bị biến dạng (vênh) kích thước dài hơn 5 cm và lồi ra khoảng 1,5 cm hướng về phía gắn giảm xóc xe.
Do không phải bị thủng bánh nên vợ chồng tôi tiếp tục di chuyển. Khoảng hơn 20 giờ cùng ngày, khi đến đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc,quận Bình Tân), nhìn thấy cửa hàng của hãng Honda Việt Nam nên tôi ghé vào đề nghị kiểm tra bảo hành xe vì quá trình sử dụng xe, tôi tuân thủ đúng chỉ định về tốc độ, tải trọng…, nhưng cửa hàng không chịu bảo hành với lý do xe sụp ổ gà. Sau khi xem xét một lúc, nhân viên kỹ thuật của cửa hàng thấy có dính đinh nên cho rằng đó là nguyên nhân… làm mâm xe bị méo”, anh Đạt trình bày tiếp.
Do cửa hàng trên đường Kinh Dương Vương không bảo hành nên sáng 30/6, anh Đạt đưa xe đến cửa hàng Honda Việt Nam (nơi anh Đạt mua xe ở số 439 Trường Chinh, quận Tân Bình) đề nghị bảo hành thì nhân viên cửa hàng buộc anh Đạt phải nộp một triệu đồng tạm ứng rồi mới thay mâm xe. Còn việc có bảo hành hay không phải chờ cửa hàng gửi thông tin ra Honda Việt Nam xin ý kiến!
Vì cần xe để đi làm, nên anh Đạt đồng ý thay mâm xe nhưng yêu cầu lập biên bản, ghi rõ hàng loạt thắc mắc và trả lời cho anh Đạt vì sao mâm xe là một trong những bộ phận chịu lực (cùng giảm xóc, bánh xe) nhưng chỉ lướt qua miệng cống đã méo, biến dạng? Chất lượng, độ an toàn của chiếc xe? Sản phẩm (xe máy hiệu Vision) của Honda Việt Nam bán cho người tiêu dùng có đảm bảo chất lượng không? Có đúng quy chuẩn Việt Nam không? Nếu có thì tại sao mâm biến dạng khi lưu thông bình thường?
Cũng theo anh Đạt, đến ngày 4/7 anh vẫn không nhận được phản hồi từ cửa hàng bán xe nên anh Đạt gọi đến số điện thoại Phòng quan hệ khách hàng của Honda Việt Nam thì nơi này yêu cầu anh Đạt… cung cấp lại thông tin để được hỗ trợ! Đến sáng 5/7, phía cửa hàng do Honda Việt Nam ủy nhiệm ở 439 Trường Chinh gọi điện cho anh Đạt với nội dung: Từ chối bảo hành mâm xe máy nhưng không nêu lý do!
Anh Đạt bức xúc, nói: “Sổ bảo hành của Honda Việt Nam không ghi trường hợp sụp ổ gà không thuộc phạm vi từ chối bảo hành, và cũng không ghi từ chối bảo hành trong lúc vận hành bị dính đinh. Trong sổ ghi rõ bảo hành cho khách trong trường hợp liên quan đến khuyết tật của vật liệu.
Tôi đề nghị Honda Việt Nam công bố chất lượng, tải trọng, vật liệu thành phần mâm xe hiệu Vision như thế nào mà dễ biến dạng đến vậy? Vì xe tôi mới mua được hơn 2 tháng, chỉ lưu thông gần 4.000 km. Tại sao những loại xe Dream, Wave người ta vẫn chở cả trăm kg nhưng không bị gì nhưng xe hiệu Vision của tôi lại bị. Khi đưa xe đến cửa hàng để bảo hành theo quy định thì họ thiếu thiện chí, xem thường khách hàng.
Tôi mua xe để sử dụng, việc phải đến cửa hàng nhằm bảo hành xe là chuyện không mong muốn. Trong trường hợp của tôi cần đặt ra vấn đề chất lượng sản phẩm của xe Vision ra sao? Độ an toàn cho người sử dụng thế nào? Có đảm bảo tiêu chuẩn hay kém chất lượng?”.
Bên bán hàng phải có nghĩa vụ bảo hành sản phẩm Về chất lượng của sản phẩm, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), phân tích: “Theo quy định pháp luật, chất lượng của tài sản mua bán do các bên thoả thuận. Trường hợp tiêu chuẩn về chất lượng đã được công bố hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định thì chất lượng không được thấp hơn tiêu chuẩn công bố hoặc theo quy định. Khi các bên không có thoả thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán, thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn ngành nghề và theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Cũng theo luật sư Lễ, bên bán phải có nghĩa vụ bảo hành đối với vật bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành theo các bên thoả thuận hoặc quy định tại điều 446 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thoả thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền. Hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành theo qui định điều 448 và điều 449. Nếu các bên không thỏa được việc bồi thường thì có quyền kiện ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. |
Theo Kinh tế và Đô thị