Trong lần trao đổi với báo giới, một vị "chức sắc" của Toyota Việt Nam (TMV) lý giải, túi khí chỉ là một phần trong hệ thống an toàn thụ động trên xe hơi và được thiết kế để ngăn ngừa, giảm nguy cơ chấn thương hoặc đe dọa tính mạng của hành khách trong một vụ tai nạn.
Do cấu trúc thân xe được thiết kế với những nguyên tắc vật lý đặc biệt, với phần đầu dễ bị hư hỏng hơn nhiều so với khung giữa, nhằm giảm tối đa lực tác động truyền tới người ngồi trên xe. Theo đó, dù phần đầu và đuôi xe có thể bị biến dạng nghiêm trọng sau các vụ va chạm thì tính mạng của hành khách có thể sẽ không bị đe dọa, ông Túy cho biết thêm.
Chiếc Toyota Fortuner 2017 gặp tai nạn nghiêm trọng ở Thái Nguyên không bung túi khí. |
“Ngoài ra, vấn đề đầu xe bị đâm nát bét mà túi khí vẫn không bung là điều hoàn toàn bình thường”, ông này khẳng định.
Theo đó, việc túi khí không kích hoạt trong những trường hợp nêu trên còn phụ thuộc ở rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, việc chi phí để thay thế bộ túi khí mới khá đắt, hơn 100 triệu đồng nên không phải vụ va chạm nào túi khí cũng nhất thiết phải nổ. Cần phải đứng giữa ranh giới an nguy tính mạng người ngồi trong xe thì túi khí mới nổ. Ngưỡng này đã được TMV nghiên cứu kỹ trước khi trang bị đại trà trên các xe.
Cách lý giải của TMV khiến nhiều người không khỏi đặt dấu hỏi, vậy thế nào được gọi là “ranh giới an nguy tính mạng”?
Túi khí hoạt động như thế nào? Túi khí trên ôtô được sinh ra để giảm thiểu và hạn chế những chấn thương nghiêm trọng khi có va chạm xảy ra Theo anh Nguyễn Văn Thu, một chuyên gia ô tô thì chất liệu tạo nên túi khí cho ô tô là loại vải co giãn hoặc một vật liệu đảm bảo được khả năng thu gọn lại trong các vị trí cần thiết trên xe và dễ dàng bung ra khi cần thiết. Trong tình huống xảy ra va chạm, túi khí được bơm phồng gần như ngay lập tức với thời gian chỉ tính bằng mili giây, bảo vệ các bộ phận quan trọng trên cơ thể người trên xe.
Để có phản ứng nhanh nhạy và chính xác của hệ thống bơm, một hệ thống cảm biến được sử dụng để nhận biết những yếu tố cần thiết để bung thiết bị. Do sau khi xảy ra va chạm, các bộ phận trong xe sẽ biến dạng và di chuyển, va đập lẫn nhau nên các cảm biến này đều được lập trình cẩn thận để ghi nhận lực một cách chính xác. Ký hiệu SRS tại những vị trí đặt túi khí trên xe là tên của loại thiết bị giảm va đập bổ sung, trang bị kết hợp với dây an toàn để giảm thiểu tối đa chấn thương cơ thể. Sau khi va chạm xảy ra, dây an toàn giúp hãm dần vận tốc theo quán tính của người ngồi trong xe và do đó giảm lực tác động lên người họ. Túi khí SRS đồng thời giúp hạn chế khả năng va đập của vùng đầu với các vật thể khác trong xe và hấp thụ một phần lực ảnh hưởng tới người lái và hành khách. Hệ thống này trải qua 3 giai đoạn chính kể từ khi xe gặp va chạm cho đến khi túi khí bung. Đầu tiên, hệ thống điều khiển chính (ACU) điều khiển các cảm biến va chạm, gia tốc, tốc độ và áp lực phanh,... để nhận biết mức độ ảnh hưởng. Khi con số này vượt quá giá trị quy định thì ngòi nổ trong bộ thổi mới đánh lửa. Tiếp theo, ngòi nổ sản sinh dòng điện có cường độ từ 1A đến 3A trong vòng dưới 2 mili giây để đốt chất mồi lửa và hạt tạo khí để tạo ra lượng khí lớn trong thời gian ngắn. Cuối cùng, túi khí được bơm căng để giảm tác động lực người ngồi trên xe và ngay lập tức khí đó thoát ra ở các lỗ xả phía sau. |
Lê Ngà