Như thông tin trước đó được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tối ngày 5/11, một lãnh đạo Cục hải quan Hải Phòng xác nhận trong quá trình làm thủ tục hải quan vào ngày 31/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ đã phát hiện một lô hàng ô tô nhập từ Trung Quốc nghi vấn phần định vị bản đồ có “đường lưỡi bò”, vi phạm chủ quyền Việt Nam. Quá trình kiểm tra cho thấy, có tới 7 chiếc ô tô loại 5 chỗ hiệu Hanteng, xuất xứ Trung Quốc, mới 100%, khi được khởi động, phần ứng dụng định vị dẫn đường trên xe có hiển thị hình ảnh nghi “đường lưỡi bò” (Đường chín đoạn).
Bản đồ "đường lưỡi bò" (đường chín đoạn) trên phần ứng dụng định vị dẫn đường của ô tô Trung Quốc nhập khẩu vừa bị phát hiện. |
Lô 7 xe này được đăng ký làm thủ tục nhập khẩu bởi Công ty TNHH ô tô Hoa Mai (công ty Hoa Mai), có địa chỉ tại Quốc lộ 1, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, Hải Phòng. Công ty này được thành lập từ năm 1993 với ngành nghề chính là sản xuất xe có động cơ, do ông Phạm Quốc Vũ là người đại diện pháp luật. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, công ty này đã có lịch sử gần 26 năm thành lập. Tại phần giới thiệu của công ty này trên Website, nhiều thông tin cho thấy, công ty tự hào luôn giữ vững vị trí tiên phong trong ngành công nghiệp lắp ráp xe tải và xe tải ben tại Việt Nam. Trong đó, tính đến năm 2018, Công ty ô tô Hoa Mai đã có 2 nhà máy lắp ráp xe tải quy mô lớn, với tổng diện tích lên tới 120.000 m2, giá trị tài sản ròng ước đạt 40 triệu USD.
Công ty ô tô Hoa Mai có giá trị tài sản ròng ước đạt 40 triệu USD. |
Điều đáng lưu ý là, trong số những sản phẩm, lĩnh vực kinh doanh của công ty này được công khai trên website đều không có hình ảnh của các loại xe con nhập khẩu.
Mới đây, sau khi vụ việc 7 chiếc Hanteng nhập khẩu có “đường lưỡi bò” bị phát hiện, người đại diện- Giám đốc công ty TNHH ô tô Hoa Mai, ông Phạm Quốc Vũ cũng đã lên tiếng xác nhận trên VTV News. Theo người này, gần một năm trước, công ty Hoa Mai ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc nhập 12 chiếc xe hiệu Hanteng về để làm mẫu, kiểm tra chất lượng toàn bộ xe cũng như các linh kiện liên quan. Nếu đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện địa hình và nhu cầu tại thị trường Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ nhập khẩu linh kiện loại xe này để lắp ráp đồng loạt, bán ra thị trường chứ không phải nhập nguyên chiếc 12 xe về bán hay sử dụng tại Việt Nam. Công ty cũng không hề hay biết trong lô hàng có 7 xe có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp.
Ông Phạm Quốc Vũ và chiếc xe Hanteng. Ảnh: VTC News |
Ông Phạm Quốc Vũ khẳng định, để tránh xảy ra trường hợp tương tự, Công ty Hoa Mai sẽ có những điều khoản quy định chặt chẽ hơn, kiểm soát kỹ hơn, không nhập bất cứ thiết bị, linh kiện, ấn phẩm hướng dẫn hoặc tem mác nào nếu xuất hiện bản đồ “đường lưỡi bò”.
Petrotime cho biết, Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam tăng 5,3 lần so với năm ngoái với khoảng 4.000 chiếc. Hầu hết xe Trung Quốc vào Việt Nam là xe tải, giá xe trung bình khoảng 930 triệu đồng/chiếc. Các loại xe dưới 9 chỗ ngồi nhập về Việt Nam số lượng ít hơn, giá trung bình dưới 700 triệu đồng/chiếc bao gồm nhiều mẫu xe đa dụng (SUV) và xe truyền thống sedan.
Trước đó, khi lý giải về trường hợp xe Volkswagen Touareg có bản đồ “đường lưỡi bò” vì sao để lọt thông quan, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, vì đây là xe trong diện tạm nhập tái xuất, xe mới, chưa có nhiên liệu, không khởi động máy nên cán bộ hải quan không kiểm tra được phần thiết bị định vị, không biết có “đường lưỡi bò”. Sau vụ việc, Tổng cục này mới chỉ đạo các đơn vị bên dưới, các Cục hải quan địa phương sát sao kiểm tra phần hình ảnh, định vị, bản đồ trong các xe nhập khẩu.
Với hầu hết xe nhập khẩu vào Việt Nam đều là xe mới, số lượng hơn 4.000 chiếc nhập vào Việt Nam, sẽ có bao nhiêu chiếc có dính “đường lưỡi bò” bị bỏ lọt như chiếc Volkswagen Touareg bị phát hiện tại Triển lãm ô tô Việt Nam vừa qua? Hiện, vẫn chưa có câu trả lời cuối.
Đỗ Huệ (tổng hợp)