"Làn gió mới" cho thị trường xe Việt?
Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng của Omoda&Jaecoo tại Đông Nam Á, mà còn là lần đầu tiên hãng xe năng lượng mới của Trung Quốc vào Việt Nam xây dựng nhà máy.
Theo kế hoạch, việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn, công suất 200.000 xe mỗi năm. Giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành vào quý 1/2026. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy này dự kiến lên tới hơn 800 triệu USD, tương đương khoảng 20.000 tỷ đồng.
Trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda & Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, dự kiến sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2024. Mẫu xe thuần điện thông minh crossover SUV OMODA E5 và mẫu xe việt dã công nghệ JAECOO 7 PHEV sẽ là sản phẩm đầu tiên được ra mắt.
Sự kiện hợp tác giữa Chery và Geleximco mang lại hi vọng "làn gió mới" cho thị trường xe Việt. Tuy nhiên, trước Chery, nhiều "ông lớn" lĩnh vực xe của Trung Quốc cũng đã từng, chuẩn bị đặt chân vào thị trường Việt Nam với tham vọng không hề nhỏ.
Gần đây, BYD - hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc cũng đã chia sẻ kế hoạch kết hợp cùng Tập đoàn Gelex xây dựng nhà máy xe điện ở tỉnh Phú Thọ - nơi công ty đã có một nhà máy sản xuất máy tính bảng cho Apple. Phía Gelex cũng đã dành ra 100 ha đất tại khu công nghiệp Phú Hà để BYD xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Gelex, sau nhiều lần đàm phán, do những thay đổi về chiến lược và sự chững lại của thị trường xe điện, BYD đã tạm lùi kế hoạch xây dựng nhà máy ở Việt Nam.
Thông tin về việc BYD đầu tư xây dựng nhà máy ở Việt Nam xuất hiện sau khi ông chủ BYD - tỷ phú Wang Chuanfu - đến Việt Nam vào tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, thông tin về thời gian bắt đầu dự án lớn này không được đề cập. Cho đến thời điểm hiện tại, kế hoạch xây dựng nhà máy mới chỉ là "bản vẽ".
Thị trường ô tô xe máy Việt Nam hiện vẫn đang là một trong những thị trường mở, tiềm năng đối với các thương hiệu ô tô toàn cầu. Tuy nhiên, lịch sử chứng minh không phải "ông lớn" nào vào cũng thành công. Đặc biệt là với các thương hiệu xe Trung Quốc, việc lặng lẽ đến, lặng lẽ đi không còn là điều mới lạ.
Có thể kể đến hãng ô tô Trung Quốc là DongFeng, ra mắt thị trường Việt vào năm 2017 một cách âm thầm, thông qua các đại lý và nhà phân phối nhỏ. Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, thương hiệu này cũng đã phải bán "đại hạ giá" những chiếc xe của mình là T5 Evo để chính thức rút lui sau khi kế hoạch phân phối chính hãng không thành công, doanh số bán ra nhỏ giọt. Việc DongFeng bất ngờ rút lui khỏi thị trường để lại sự ngỡ ngàng với người tiêu dùng Việt và những mối quan tâm đến chế độ bảo hành, bảo dưỡng của những chiếc xe còn chưa đến hạn...
Không chỉ DongFeng, đã từng có rất nhiều thương hiệu xe Trung Quốc như BAIC, Geely, Haima… đã từng phải rời bỏ thị trường Việt khi không thể bán xe bất chấp giá bán hấp dẫn hơn hẳn các đối thủ cùng phân khúc.
Gần đầy nhất, những nghi vấn đặt ra xung quanh việc nhà phân phối Kylin GX668 của 2 thương hiệu Beijing và Hongqi sẽ ngừng hoạt động cũng khiến người tiêu dùng Việt bất an. Đây là 2 thương hiệu xe sang hàng đầu của Trung Quốc với nền tảng khá mạnh mẽ, tuy nhiên thiết kế lại chưa thực sự có nét đặc sắc riêng. Với Beijing, thiết kế đầu xe mang bóng dáng của Porsche, đuôi xe giống Audi, nội thất lại tương tự Mercedes-benz và Land Rover. Còn "người anh em" Hongqi lại được ví như "Rolls-royce Trung Quốc" và có giá rẻ hơn nhiều.
Việc Chery gia nhập thị trường Việt Nam với nhà máy sản xuất tại Phú Thọ nhận được nhiều kỳ vọng thành công hơn những "đồng hương khác". Tuy nhiên, cũng như các thương hiệu xe điện khác tại Việt Nam (ngoại trừ VinFast), cơ sở hạ tầng trạm sạc vẫn còn là bài toán nan giải đối với thương hiệu. Chưa kể, việc phải canh tranh với các dòng xe điện mới từ những tên tuổi phổ thông hơn, phổ biến hơn. Mặt khác, Chery cũng phải vượt qua rào cản tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng Việt khi vẫn khá e dè với chất lượng và sự gắn bó dài lâu của các thương hiệu xe Trung Quốc sau những lần "đến đột ngột, ra đi vội vàng".
Những thuận lợi riêng
Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco ra đời năm 1993. Đến nay, Geleximco đã xây dựng mô hình phát triển thành một tập đoàn kinh tế đa ngành, với 4 lĩnh vực: Sản xuất Công nghiệp; Bất động sản; Thương mại – Dịch vụ; Tài chính - Ngân hàng.
Đặc biệt, Geleximco tham gia vào lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô từ nhiều năm nay, liên doanh cùng Honda Motor thành lập Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Việt Nam (VAP) với tổng vốn đầu tư trị giá 90 triệu USD. Trong liên doanh này, Geleximco là một trong hai cổ đông Việt Nam, phía nước ngoài gồm hai công ty của Thái Lan là Asian Honda Motor và Daisin, một công ty của Lào là New Chip Xeng và một công ty của Nhật là Kyushu Yanagawa Seiki.
Với những kinh nghiệm sẵn có của Geleximco sẽ là cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng thành công nhà máy sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là khâu bán hàng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm của Chery và uy tín thương hiệu của Omoda & Jaecoo.
Tập đoàn Chery là một trong những tên tuổi hàng đầu của Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô, đã góp phần đưa thương hiệu Trung Quốc ra thế giới và có mặt tại hơn 80 quốc gia. Từ 2003 đến nay, Chery giữ vị trí 21 năm liên tiếp là hãng xuất khẩu ôtô lớn nhất Trung Quốc.
Tính đến năm 2024, khối lượng bán hàng tích lũy toàn cầu của thương hiệu Omoda & Jaecoo đã vượt quá 160.000 chiếc. Mẫu xe thuần điện đầu tiên mang tên Omoda E5, đã được lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha công nhận, trở thành “thế lực mới” trên thị trường ô tô toàn cầu.
Số liệu của Chery cho hay doanh số lũy kế của tập đoàn là hơn 13 triệu ôtô trên toàn cầu sau khi năm 2023 khép lại. Trong số này, có khoảng 3,35 triệu xe đã được bán cho khách hàng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Nguyễn Luận (T/h)