27,1% người dân không ủng hộ đề án thu phí vào nội đô
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào (Đề án thu phí vào nội đô) hiện đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo kết quả khảo sát online mới đây trên cơ sở 1.028 phiếu (tính đến ngày 10/10/2022), có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ Đề án.
Theo Đề án, phạm vi không gian thu phí là khu vực bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn thí điểm (từ nay đến năm 2025) sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn có nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, tiếp tục từng bước mở rộng vùng thu phí. Giai đoạn 2 (từ năm 2026 đến 2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3. Đến giai đoạn 3 (sau năm 2031) sẽ tiếp tục mở rộng vùng thu phí bờ Bắc sông Hồng, được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Mặc dù có tới 38,7% số người ủng hộ việc thu phí nhưng nhiều vấn đề khác cũng đang được đặt ra, liên quan đến hệ thống vận tải công cộng của Hà Nội, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân (mới chỉ đáp ứng được 17%, quy định “cứng” vùng thu phí chưa thực sự hợp lý,…
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội - cho biết, thông tin về Đề án Thu phí vào nội đô có thể mới chỉ một phía từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (Tramoc) chứ không phải thông tin từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội. Các cơ quan liên quan đang nghiên cứu, chưa có phương án chính thức về việc Hà Nội thí điểm thu phí vào nội đô. Khi nào có thông tin chính thức đơn vị sẽ thông tin đến báo chí và người dân.
Hàng loạt trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe gặp khó vì "cabin điện tử"
Từ ngày 1/1/2023, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe sẽ phải áp dụng cabin điện tử, tuy nhiên đến nay nhiều trung tâm và cơ quan quản lý nhà nước vẫn muốn lùi thời điểm triển khai. Theo đó, khi áp dụng cabin điện tử, Học viên có tối thiểu bốn giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch; làm quen với các bài về địa hình như đường đối núi, cao tốc.
Nguyên nhân được đưa ra do kiến nghị của các Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải, cơ sở đào tạo lái xe bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn về tài chính; dịch bệnh đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị và ảnh hưởng đến thử nghiệm và chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật
Theo khảo sát, mỗi bộ cabin hiện có giá 400-500 triệu đồng, dẫn đến số tiền mà mỗi cơ sở đào tạo sát hạch trên toàn quốc bỏ ra sẽ rất lớn, có thể lên tới 10-15 tỷ đồng cho khoảng 20-30 cabin để đào tạo lưu lượng bình quân khoảng 1.000 học viên/tháng. Đây là số vốn lớn trong bối cảnh các trung tâm đào tạo vẫn chưa phục hồi “sức khỏe” tài chính sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Việc đầu tư lớn cho cabin điện tử, có thể dẫn tới chi phí các khóa học sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp tới các học viên.
Việc không kịp thời trang bị được cơ sở vật chất phục vụ việc đào tạo, sát hạch lái xe có thể khiến nhiều Trung tâm lâm vào thế khó, không đáp ứng được quy định. Điều này có dẫn tới nguy cơ đóng cửa hàng loạt trong thời gian tới?
Khách đi BRT sắp được dùng xe điện miễn phí để chuyển tiếp
Sở GTVT Hà Nội vừa chấp thuận theo đề xuất của Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình xe điện 2 bánh kết nối phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến BRT: Từ nhà chờ BRT Văn Khê đến Trung tâm thương mại Aeon mall Hà Đông”.
Đề án thí điểm này được coi là một trong các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giúp hành khách hình thành thói quen sử dụng các loại phương tiện giao thông xanh, đồng thời nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
Hai loại xe điện được sử dụng gồm xe máy điện và xe đạp điện trợ lực. Khi thông tin được chấp nhận, người dùng được mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra khu vực nhà chờ buýt nhanh BRT điểm Văn Khê rồi trả xe, đón xe buýt BRT. Với những người sử dụng phương tiện cá nhân có thể gửi lại tại hai điểm đầu, cuối rồi mượn xe điện hai bánh để di chuyển ra điểm đón xe buýt thường hoặc buýt BRT. Quá trình di chuyển từ hai điểm này được lưu trữ, theo dõi trong hệ thống thông qua ứng dụng đã cài đặt trước đó. Hệ thống này đồng thời cung cấp các chức năng cần thiết cho mô hình chia sẻ xe điện gồm việc theo dõi tình trạng pin cho xe và tăng báo động trong trường hợp có vấn đề phát sinh.
Trong thời gian thí điểm, người dân không phải trả phí dịch vụ, được miễn phí sử dụng hoàn toàn phương tiện. Kinh phí thực hiện từ nguồn tài trợ của Ủy ban châu Âu (EC) và hỗ trợ của các cơ quan tham gia thực hiện phương án thí điểm.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)