Tiêu chuẩn kép từ phía các đại lý?
Thông tin được chia sẻ mới đây bởi báo Tri thức và cuộc sống, cho thấy một khách hàng đã đặt cọc Mercedes-Benz GLC 300 4Matic X254, thời hạn đại lý hẹn giao xe vào tháng 12/2023 với giá niêm yết 2,799 tỷ đồng. Hứa hẹn từ phía đại lý và sale thì người mua được giảm giá tới 150 triệu đồng, giá trao tay chỉ còn 2,649 tỷ đồng. Đi cùng với lời hứa hẹn từ phía nhân viên đại lý là nếu khách không mua xe với bất cứ lý do gì, có thể được hoàn lại tiền cọc. Vì vậy, thay vì cọc 50 triệu đồng như ban đầu, vị khách này đã đặt tới 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, chờ quá lâu không được giao xe, khách hàng đã liên hệ và chốt mẫu xe tương tự tại đại lý khác. Số tiền cọc trước đó không được hoàn và hãng cũng không đưa ra được phương án bảo vệ quyền lợi tối ưu của khách.
Đây không phải lần đầu tiên một đại lý chính hãng của Mercedes-Benz “quên” hoàn cọc lại cho khách hàng. Trước đó, năm 2018, báo Giao thông cũng đưa tin về trường hợp khách hàng Nguyễn Đình Luật (P. Châu Văn Liêm, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ) phản ánh về dịch vụ bán hàng của đại lý Mercedes-Benz Haxaco tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đơn khiếu nại anh Luật cho biết, vào tháng 12/2016 anh có tìm đến đại lý Haxaco để đặt vấn đề mua chiếc xe Mercedes GLC 300. Tuy nhiên do thời điểm đó không có xe và cũng không biết chính xác thời điểm nào sẽ có xe nên trước khi đặt cọc 100 triệu theo đề nghị của anh Vĩnh Nam (nhân viên bán hàng) anh có hỏi: “Nếu do nhu cầu thay đổi hoặc một lý do nào khác mà tôi không thể nhận xe tôi có được trả cọc không?” Câu trả lời mà anh Luật nhận được từ một nhân viên bán hàng của Mercedes-Benz là "được" khiến anh Luật “an tâm và cảm thấy mọi thứ thật dễ dàng”.
Tuy nhiên đợi mãi không được lấy xe nên anh Luật đã từ bỏ ý định mua Mercedes GLC 300.
Đến thời điểm tháng 4/2018 anh Luật liên hệ lại với anh Sơn (nhân viên Haxaco) đề nghị cho nhận lại tiền cọc, nhưng anh Luật ngã ngửa khi được trả lời: "anh đã mất cọc" với lý do là đã hết năm tài chính.
Trong các đơn thư anh Luật gửi cho cơ quan báo chí có cả những bản ghi âm về các cuộc trao đổi giữa anh và đại diện Haxaco. Nội dung trong các cuộc trao đổi trước đó đều khẳng định anh sẽ không mất tiền đặt cọc nếu không lấy xe hoặc xe không về đúng thời hạn như cam kết.
Không những bị Haxaco từ chối trả tiền cọc, khách hàng Nguyễn Đình Luật còn ngã ngửa khi được biết Haxaco có văn bản về việc thanh toán tiền mua xe Mercedes – Benz GLC300 (tuy nhiên, văn bản này không được gửi cho anh mà do nhân viên bán hàng của anh công bố khi anh công khai vụ việc). Ngoài khoản thanh toán 2,149 tỷ đồng – trị giá chiếc xe, Haxaco còn yêu cầu anh Luật “thực hiện nghĩa vụ thanh toán các chi phí liên quan”, bao gồm lãi vay, lưu kho.
Ghi nhận trên các kênh truyền thông báo chí khác, cũng có nhiều nạn nhân khác gặp phải tình huống tương tự. Những vụ việc kể trên khiến khách hàng và cộng đồng những người hâm mộ Mercedes-Benz không khỏi bất ngờ vì không nghĩ rằng những đại lý chính hãng của một thương hiệu toàn cầu lại có cách hàng xử “tiêu chuẩn kép” như vậy. Dù bản thân mong khách hàng “thông cảm” khi chậm trễ giao xe nhưng lại đưa khách hàng vào thế “con nợ” khi không thể hoàn tất hợp đồng khi vì hoàn cảnh khó khăn.
Lời cảnh báo từ phía cơ quan chức năng
Trước tình trạng nhiều người dùng bỏ tiền đặt cọc để nhận xe sớm, dù chưa tận mắt nhìn thấy xe, chưa chốt giá bán là bao nhiêu, Bộ Công Thương cũng từng nhiều lần đưa ra khuyến cáo, thông tin một số nội dung về đặt cọc mua xe, các trường hợp thay đổi giá xe tại thời điểm giao dịch để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Theo Bộ Công Thương, theo Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định tiền đặt cọc là để "đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng" (Điều 328 – Bộ Luật Dân sự 2015). Tuy nhiên, có những trường hợp không có xe để giao theo hợp đồng đã ký, đại lý giải quyết bằng cách đơn giản là trả lại số tiền đặt cọc cho người tiêu dùng.
Theo quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự năm 2015: "Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác".
Như vậy, trong quá trình đặt cọc và ký hợp đồng đặt cọc, người tiêu dùng nên đọc kỹ các quy định trong biên bản thỏa thuận đặt cọc giữa hai bên. Trong trường hợp không có thỏa thuận nào khác, khi đại lý đã nhận tiền đặt cọc mà không có xe để bán cho người tiêu dùng, thì đại lý phải trả lại số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền mà người tiêu dùng đã đặt cọc. Ví dụ: trường hợp người tiêu dùng đặt cọc 100 triệu đồng để mua xe ô tô mà đại lý không thực hiện đúng giao dịch, đại lý phải trả người tiêu dùng khoản tiền tương ứng 200 triệu đồng.
Về tình trạng khách hàng phải mua xe với giá cao hơn giá quy định trong hợp đồng khi đặt cọc, Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì doanh nghiệp không được phép quy định trong các hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao kết với người tiêu dùng các điều khoản có nội dung: cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Chính vì vậy, trước khi ký hợp đồng với đại lý, người tiêu dùng cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nếu phát hiện các điều khoản với nội dung cho phép thay đổi giá tại thời điểm giao xe, người tiêu dùng có thể yêu cầu đại lý loại bỏ các điều khoản này ra khỏi hợp đồng.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)