Vespa (tiếng Ý có nghĩa là ong bắp cày) nói về vẻ đẹp của sự mạnh mẽ. “Con ong”, “mùa xuân”, “giải phóng”, “vẻ đẹp tuyệt diệu” hay “chạy nước rút”… những cái tên mỹ miều mà người dùng Việt Nam từng biết đến bởi hãng xe đến từ nước Ý xem chừng đang lùi vào dĩ vãng...
Khách quan thừa nhận rằng,Piaggio Việt Nam đang có tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong những năm trở lại đây.
Sau hơn 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam (10/2007), Piaggio từ chỗ tăng trưởng thần tốc trong giai đoạn đầu đã nhanh chóng tăng trưởng "gầy", nhất là khi các thương hiệu xe như Honda, SYM, Yamaha liên tục lấn lướt khi tung ra các "con cưng" chiều lòng khách hàng hơn.
Đơn cử ví dụ, nếu trong 2 năm 2013-2014, Piaggio đạt doanh số hơn 55 nghìn xe thì đến năm 2015 con số này giảm còn 46 nghìn rồi xuống 44 nghìn xe trong năm 2016.
Theo các chuyên gia, để lý giải những điều trên, về cơ bản có thể khẳng định một vài điều rằng:
|
Thứ nhất, trên các diễn đàn về xe cộ, có khá nhiều chủ xe phàn nàn về việc những chiếc Vespa, Liberty sau một thời gian ngắn sử dụng bỗng trở nên "yếu ớt" với nhiều hỏng hóc "bực mình".
Phàn nàn nhiều nhất đến từ động cơ "ồn ào", nhanh xuống máy, rung khi vận hành và ăn xăng.
Đây là có thể coi là nhược điểm lớn nhất của những mẫu xe đến từ thương hiệu Ý khi trước đây đa phần sử dụng dòng động cơ cũ mặc dù sau đó Piaggio Việt Nam đã thay thế bằng động cơ iGet 3 van, 4 van để khắc phục nhưng có lẽ niềm tin của khách hàng đã bị giảm sút sau hàng loạt các sự cố "phiền lòng" về hãng xe Piaggio.
Thứ hai, do quá nhiều nhược điểm mà Piaggio nói chung hay Vespa, Liberty nói riêng được nhiều người ví như cô tiểu thư đỏng đảnh cần nâng như nâng trứng, bảo dưỡng đúng hạn nếu không sẽ rất dễ "làm nũng" khiến chủ xe mất không ít chi phí để "dỗ dành".
Chi phí thay"đồ"cao là một trong những nguyên nhân khiến Piaggio mất khách. |
Một phần, tâm lý khách hàng chuộng nguyên lý "ăn chắc mặc bền", họ chấp nhận bỏ ra một khoản phí không hề nhỏ để tậu xe nhưng lại không muốn bỏ ra quá nhiều tiền cho mỗi lần thay "đồ" bảo dưỡng.
Cụ thể, sau một thời gian sử dụng, các khách hàng cảm thấy "giật mình" mỗi khi đối diện với hóa đơn chi phí phụ tùng đắt đỏ được thực hiện tại các đại lý chính hãng thưa thớt – nhất là ở các tỉnh lẻ.
Đây cũng chính là điều khiến hãng xe Piaggio ngày càng có khoảng cách với các khách hàng.
Anh Xuân Trường, một thợ sửa xe máy lâu năm chia sẻ: "Gần như những mẫu xe Piaggio hay Vespa đều khó tháo lắp cũng như sửa chữa. Để tháo lắp được các mẫu xe Ý này thường phải dùng các loại dụng cụ chuyên dụng. Bên cạnh đó, phụ tùng thay thế cũng rất khó khăn và có mức giá cao".
Thứ ba, các sản phẩm của Piaggio hay Vespa thường bị "đóng đinh" mang tiếng cầu kỳ, khả năng vận hành không nhẹ nhàng và linh hoạt do khung vỏ xe được làm từ thép khiến xác xe nặng gây khó khăn trong di chuyển, nhất là trong các ngõ phố chật hẹp nội đô.
Đặc điểm đường sá tại đô thị Việt Nam thường là đường nhỏ, nhiều ngõ ngách và có mật độ cao nên những mẫu xe vận hành "sang chảnh" của Piaggio không phát huy được ưu điểm.
>>> "Siêu xe" chở rác giá 10 tỷ, tỏa nước hoa về Việt Nam
Vespa GTS 300 ABS ế thảm tại Việt Nam. |
Thứ tư, có một sự thật là dù chuyên kinh doanh xe cao cấp và doanh số không lớn nhưng Piaggio lại là một trong những thương hiệu phải triệu hồi xe nhiều nhất tại Việt Nam.
Được biết, số lượng mô tô, xe máy dính lỗi phải triệu hồi nhiều nhất Việt Nam trong năm 2017 thuộc về hai thương hiệu Piaggio và Yamaha.
Nếu tính từ năm 2014, đã có 42.579 xe Piaggio và Vespa tại Việt Nam bị triệu hồi sửa lỗi liên quan tới hầu hết các dòng xe mà hãng xe Ý kinh doanh.
Những đợt triệu hồi lớn có thể kể đến như 10.072 xe Vespa Primavera 125 do lỗi phanh, 14.291 xe Vespa S/LX/LXV/LT lỗi ống nhiên liệu làm rò rỉ xăng.
Quá nhiều đợt triệu hồi khiến khách hàng mất niềm tin về chất lượng xe Piaggio. |
Chỉ tính riêng năm 2017, với 16.387 xe, Piaggio chiếm tới 94% lượng xe máy triệu hồi trong năm.
Hai mẫu xe bị triệu hồi trong năm qua của Piaggio Việt Nam là Liberty 1253V-ie và Medley ABS.
Trong đó, có 13.052 xe Liberty ABS 125 3V i.e bị lỗi khung chính của xe, 3.335 xe Medley 125/150 ABS cũng do dính lỗi tương tự.
Quan trọng hơn, đây cũng là 2 sản phẩm chính và quan trọng của Piaggio Việt Nam trong công cuộc cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc xe tay ga cao cấp.
Với những điểm yếu kể trên, hiện rất khó để Piaggio tiếp tục cạnh tranh và gia tăng thị phần của mình tại Việt Nam.
Có thể thấy, việc Piaggio tích cực triệu hồi xe ngay khi có lỗi là một động thái tốt thể hiện cam kết về dịch vụ với khách hàng nhưng số đợt triệu hồi, tuy nhiên chính những lần triệu hồi đó khiến khách hàng đặt ra dấu hỏi lớn trước chất lượng của những chiếc xe cao cấp đến từ Ý này.
Cùng với những lỗi tồn tại kể trên khiến cho niềm tin vào thương hiệu giảm sút, khách hàng bắt đầu quan tâm hơn về chất lượng chứ không chỉ tập trung vào kiểu dáng như trước, nhất là khi giờ đây họ đã có thêm nhiều lựa chọn trong phân khúc này.
>>> VinFast Fadil - Ô tô cỡ nhỏ gây tò mò, "đấu" Morning, i10 chốt ngày ra mắt Việt Nam