Hình ảnh xe sang Mercedes- BenZ GLC 200 với phần đầu xe bị cháy nham nhở đi kèm băng rôn, khẩu hiệu phản đối việc bảo hành của hãng, đi diễu hành khắp các phố phường Hà Nội những ngày qua khiến nhiều người đặc biệt quan tâm. Câu hỏi về trách nhiệm của hãng và của công ty bảo hiểm lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ, phân tích.
Sau nửa năm "bỗng nhiên cháy", vẫn không có đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi thường, sửa chữa xe Mercedes-BenZ GLC 200 BKS 30F-435.01. |
Trước đó, ngày 29/6/2020, chiếc Mercedes-Benz GLC 200 mang biển kiểm soát 30F-435.01 thuộc sở hữu của chủ xe là Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) đang đỗ trong khu vực của công ty thì đột nhiên bốc cháy.
Đến tháng 7/2020, Viện Khoa học hình sự, Bộ công an đã đưa ra kết luận giám định nguyên nhân vụ việc là “Tự gây cháy”: "do chập mạch điện trên đường dẫn dây điện nối từ ắc quy sang hộp cầu chì làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy xe, không có tác động của ai khác hoặc do nguyên nhân khác”.
Với kết luận “tự gây cháy” này, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Long (Bảo Long) là đơn vị có trách nhiệm liên quan đã từ chối việc chi trả thiệt hại cho chủ xe với lý do đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, xe vẫn còn nằm trong thời gian bảo hành của hãng.
Ngay sau khi có kết luận của Viện khoa học Hình sự, Mercedes Benz Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối và khẳng định vụ cháy không đến từ hiện tượng đoản mạch. Được biết, Hãng cũng đang tiến hành thủ tục để khiếu nại kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an về nguyên nhân gây cháy xe.
Trong thời gian này, tính đến nay đã 6 tháng, chiếc Mercedes GLC 200 vẫn bất động trong tình trạng cháy nham nhở. Chủ xe là Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Đơn vị bảo hiểm Bảo Long và Công ty TNHH Mercedes -Benz Việt Nam; Công ty CP truyền thông và dữ liệu thanh toán An Du thực hiện việc sửa chữa, bảo hành xe nhưng bất thành.
Gọi bảo hiểm, bảo hiểm từ chối; kêu tới hãng, hãng cũng không nhận, cực chẳng đã, Chủ xe mới phải đem “Khối tài sản tiền tỷ” của mình đi diễu phố, thể hiện thái độ thất vọng đối với chính sách bảo hành của Công ty.
Băng rôn phản đối của khách hàng nêu: "Hãng xe lớn, dịch vụ chăm sóc khách hàng nhỏ" |
Chủ xe thể hiện sự thất vọng với chính sách bảo hành của Mercedes- BenZ Việt Nam |
Sự việc ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, câu chuyện về bảo hiểm xe, bảo hành của hãng lại dấy lên. Nhiều người thể hiện sự thất vọng “Các bên đều có lý do chính đáng, chỉ có khách hàng là chọn nhầm nơi để “chọn mặt gửi tiền”, "bảo hiểm thích nhỉ, bán dịch vụ mà không phải phục vụ",... Hàng loạt câu hỏi cũng được đặt ra "xe ra khỏi showroom là hãng hết trách nhiệm?, "chủ xe đóng phí bảo hiểm cho Bảo Long, không phải cho Mercedes, cháy xe thì Bảo Long làm gì?", "nếu còn bảo hành, bảo hiểm không chi trả thì bắt buôc mua bảo hiểm để làm gì?"...
Nhiều ý kiến phân tích cũng đưa ra. Theo đó, khi khách hàng mua bảo hiểm, tai nạn diễn ra sẽ phải tiến hành báo cho bảo hiểm. Quy trình bồi thường bảo hiểm thông thường sẽ diễn ra qua các bước: Tiếp nhận yêu cầu, giám định tổn thất, lựa chọn phương án bồi thường và hoàn thiện hồ sơ. Trong vụ việc này, đang bị tắc ở việc “lựa chọn phương án bồi thường”.
Trong các hợp đồng bảo hiểm xe tại Việt Nam, những điều khoản liên quan đến việc bồi thường đều sẽ nằm trong một bản quy tắc do chính các công ty bảo hiểm soạn ra. Trong bản quy tắc này luôn có nội dung: Trong trường hợp tổn thất do bên thứ 3 gây ra, chủ xe phải hợp tác với công ty bảo hiểm để đòi tiền từ bên thứ ba này, trong phạm vi số tiền đã hoặc sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường. Cụm từ “đã hoặc sẽ” cho phép công ty có thể trả tiền trước rồi đi đòi bên thứ ba hoặc bắt khách hàng chờ đến khi bên thứ ba chịu bồi thường rồi mới chi trả. Ý kiến phân tích đặt câu hỏi, nếu bên thứ 3 không có khả năng chi trả, tử vong hoặc có lý do hợp lý (giả sử Mercedes đúng, nguyên nhân gây cháy không phải do chập điện) và từ chối chi trả, chủ xe sẽ biết kêu ai?.
Đầu xe Mercedes GLC 200 bị cháy nham nhở |
Thực tế, không ít vụ việc tai nạn xe cộ, chủ xe đã lâm vào tình trạng mắc kẹt, phải tự bỏ tiền túi ra để sửa chữa phương tiện vì “chờ được vạ, má đã sưng”, vừa không có phương tiện đi lại, vừa mệt mỏi vì việc “đi xin” bảo hiểm chi trả.
Các ý kiến tiếp tục phân tích, trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Điều 49.1 ghi rõ: "Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”. Theo quy định này, trước tiên công ty bảo hiểm phải chi trả cho người được bảo hiểm, sau đó mới đi đòi trách nhiệm từ bên thứ ba (nếu có). Rõ ràng, cả về tình lẫn lý, ở vụ việc này Bảo Long không thể đứng ngoài làm ngơ.
Về phía trách nhiệm của Mercedes-BenZ Việt Nam, các ý kiến cũng đặt ra câu hỏi: "Nếu Mercedes khiếu nại quyết định của Viện Khoa học hình sự thì phải mời bên giám định độc lập chứ đâu thể sử dụng chính chuyên gia của hãng để kết luận nguyên nhân được"...
Hiện, vụ việc vẫn đang tắc, chiếc Mercedes GLC 200 vẫn tiếp tục “khét”, chờ việc thực hiện trách nhiệm từ các bên liên quan.
Nguyên Đỗ (t/hợp)