Những bản thỏa thuận trái luật và không thấu tình…
“Phạt thì thương, vương thì tội”, là tình cảnh mà nhiều cảnh sát giao thông (CSGT) cảm thấy bối rối khi phải đưa ra quyết định xử phạt với người dân mua xe trả góp. Bởi lẽ, theo quy định của các văn bản hướng dẫn luật, Nghị định thì người mua xe trả góp được quyền giữ các giấy tờ gốc của xe. Thế nhưng, cũng theo quy định tại Khoản 6, Điều 323, Bộ luật Dân sự 2015 thì Bên nhận thế chấp (ngân hàng, các tổ chức tín dụng) được quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp có quy định khác).
Việc các quy định liên quan đến luật “vênh” nhau như vậy đã tạo điều kiện cho các ngân hàng lách luật. Thực tế, đa phần các giao dịch mua hàng trả góp, giá trị lớn như mua ô tô, người mua đều phải có sự thỏa thuận với ngân hàng, và đương nhiên người mua sẽ luôn nằm ở “cửa dưới”.
“Đồng ý để ngân hàng giữ giấy tờ gốc thì được vay, nhưng không có giấy tờ gốc thì dễ bị công an phạt. Chúng tôi phải làm thế nào để vừa có tiền, vừa không bị ăn phạt?”, một khách hàng mua xe trả góp bức xúc.
Đây cũng là khúc mắc mà nhiều người hiện đang rất quan tâm nhưng vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Đặc biệt hơn khi mà các văn bản hướng dẫn mới đây của Ngân hàng Nhà nước và cục Cảnh sát Giao thông đều khẳng định: Người thế chấp phải được giữ các giấy tờ gốc của xe và việc xử phạt là đúng.
Người dân sẽ bị CSGT xử phạt khi mua xe trả góp, không mang các giấy tờ gốc khi tham gia giao thông? |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hà Nội cũng bày tỏ sự quan ngại về vấn đề này. Theo ông Tuyến, nguyên nhân dẫn đến việc người dân bị xử phạt ở đây là do các quy định của pháp luật còn có những mâu thuẫn và có độ “vênh” so với thực tế.
“Theo quy định hiện nay thì nơi bán hàng trả góp, đơn vị cho vay tiền để người dân mua trả góp phải có nghĩa vụ giao đầy đủ giấy tờ gốc cho người mua. Nếu cố tình giữ bằng cách lách luật, thỏa thuận thì vi phạm pháp luật về mua bán dân sự rồi. Anh (ngân hàng, tổ chức tín dụng-PV) muốn giữ, chỉ có thể giữ những giấy tờ công chứng thôi vì những giấy tờ này bản thân cũng đã có hiệu lực như giấy tờ gốc.”, ông Tuyến khẳng định.
Theo luật sư này, những quy định hiện nay đang đặt người dân và ngân hàng vào thế “tiến thoái lưỡng nan” và chấp nhận việc lách luật. Ngân hàng thì muốn an toàn cho khoản vay của mình, không muốn “dính” phải những rủi ro khiếu kiện lằng nhằng. Trong khi người dân thì muốn thuận lợi cho việc mua bán, vì vậy họ chấp nhận những bản thỏa thuận trái luật, không thấu tình và sau cùng thiệt hại nhất vẫn là người dân chứ không phải là ngân hàng.
“Anh (ngân hàng, tổ chức tín dụng) giữ giấy tờ gốc của người ta sẽ có lợi cho mình, không sợ người ta “xù nợ”, nhưng anh không nghĩ tới thiệt hại cho chính khách hàng của mình. Họ sẽ bị phạt, bị xử lý hành chính, xét về góc độ nào cũng không thể chấp nhận được cách làm ăn này”, luật sư Tuyến chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Tuyến, nếu luật vênh nhau thì các cơ quan chức năng nên có những kiến nghị sửa, làm thế nào để thuận lợi nhất có thể cho người dân. Thực tế, nếu có những trường hợp phát sinh nợ xấu, người dân đem xe mua trả góp đi cầm cố, mua bán, sang nhượng khi chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng có quyền khiếu kiện vì theo luật giao dịch mua bán sau đó đều bị vô hiệu hóa.
Việc đảm bảo có giấy tờ hợp lệ không phải việc của người dân
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì lại có góc nhìn nhân văn hơn: “Trước hết cũng nên đặt vào vị trí của các ngân hàng. Họ là người cho vay, tiền của họ cũng là tiền rủi ro nên mới buộc phải giữ giấy tờ gốc của xe trả góp. Họ cũng đã phát hành những giấy chứng nhận, xác thực giữ giấy tờ của người dân, giấy photo công chứng… Những giấy tờ này đáng ra phải được chấp nhận, vì qua đó cơ quan chức năng vẫn có đầy đủ các thông tin về xe và biết được chủ xe là ai. Quyết định xử phạt là họ đang đặt người dân và ngân hàng vào thế “dở khóc dở cười”.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: "Việc đảm bảo đầy đủ giấy tờ hợp lệ cho người mua xe trả góp là việc cơ quan chức năng phải làm chứ không phải việc dân phải lo". |
Cũng theo phân tích của chuyên gia này, bài học về cách làm ở Mỹ và các nước khác, các cơ quan chức năng của chúng ta cũng nên tham khảo. Theo đó, các ngân hàng nếu muốn cho vay trả góp 1 xe nào đó thì sẽ gửi thông tin lên bộ Đăng kiểm, xe gì, mã số và số máy bao nhiêu…? Theo đó, bộ Đăng kiểm sẽ ghi nhận và từ đó khi phát hành ra tấm thẻ chủ quyền xe (giấy tờ xe), họ sẽ không phát hành theo tên chủ xe mà là dưới tên ngân hàng hoặc ghi rõ xe này là xe đã thế chấp cho ngân hàng. Cho đến khi nào các khoản nợ được thanh toán và báo cho cơ quan đăng kiểm thì họ sẽ phát lại giấy tờ xe dưới tên chủ sở hữu là người mua.
“Việc đảm bảo về giấy tờ hợp lệ là việc của cơ quan chức năng chứ không phải là người dân. Còn Việt Nam, cơ quan đăng kiểm không làm việc đó, người dân không có giấy tờ xe gốc khi lưu thông trên đường bị phạt là một điều vô cùng bất hợp lý. Cả một hệ thống không khớp với nhau rồi đè người dân ra để phạt trong khi đâu phải ai cũng có thể mua xe bằng tiền mặt của mình. Sự bất hợp lý trong cả hệ thống hành chính này thực sự cần phải sửa đổi”, ông Hiếu cho hay.
Đ.Huệ