Norfolk là một hòn đảo nhỏ rộng 35 km2, tọa lạc ở Thái Bình Dương, nằm giữa Australia, New Zeland và New Caledonia. Có khoảng 2.000 người dân sinh sống ở đây.
Nằm cách đại lục Australia 1.412 km về hướng đông, Norfolk từ lâu phải vật lộn với vấn đề rác thải và chi phí để tái chế rác thải. Vài chục năm qua, chính sách chủ yếu ở đây là đốt cháy những chiếc ô tô cũ và đẩy chúng xuống từ bờ vực cao xuống đại dương, theo ABC. Trên đảo vốn không có dịch vụ thu gom rác như ở đại lục.
Những chiếc ô tô cũ không còn sử dụng, được đốt hoặc đẩy xuống biển. |
Với những loại rác thải đặc biệt có những cách xử lý riêng. Nhôm sẽ được xuất ra khỏi đảo, thủy tinh được nghiền để tái chế. Chính quyền đảo đang mua một chiếc máy ép kim loại để xử lý xe hơi cũ rồi gửi về đại lục. Tuy nhiên, những chuyến vận chuyển bị trễ hẹn có nghĩa cơ sở hạ tầng sẽ không được hoàn thiện trong nhiều tháng tới.
Quyết định giữ lại những chiếc xe thay vì đẩy xuống biển của Hội đồng đảo với lý do bảo vệ môi trường không nhận được sự ủng hộ của tất cả người dân.
"Đẩy xuống biển, để chúng rơi vỡ nát và trở thành đá ngầm dành cho cá sẽ tốn ít chi phí hơn nhiều", Jim Taverner, một người dân phát biểu. Taverner cũng cho rằng đảo đang ngày càng có nhiều xe cũ nằm rải rác vô thừa nhận, đồng thời lo lắng điều đó tác động xấu tới ngành công nghiệp chính của đảo đó là du lịch.
Norfolk được coi là hòn đảo an toàn nhất thế giới, không có vụ tội phạm nghiêm trọng nào xảy ra trong 100 năm qua. Người dân nơi đây thân thiện, thoải mái, đi ngủ không cần khóa cửa, mất ví tiền được trao tận tay. Nhà cửa được xây dựng mang phong cách của người Âu Mỹ và rất hiện đại.
Hàng trăm ô tô cũ nằm rải rác trên đảo. |
Taverner là chủ một doanh nghiệp về xây dựng ở Norfolk từ vài thập kỷ qua. Kinh nghiệm của ông cho thấy chi phí và quá trình đưa xe cũ đi khỏi đảo là "không hợp lý". Norfolk không có bến cảng, việc tiếp tế được thực hiện bằng những chiếc thuyền dài truyền thống. Khách du lịch tới đây bằng đường hàng không.
Ngoài ra, tình hình thời tiết xấu, biển động cũng là nguyên nhân ngăn cản các chuyến tàu hàng. Không có dịch vụ chuyên chở thẳng về Australia đại lục mà phải đi qua New Zealand.
Cứ 4 ngày mỗi tuần, khói lại bay lên ở Headstone Point - nơi Hội đồng đảo đốt rác sinh hoạt gồm giấy, bìa và nhựa. Và dù hiện việc đốt ôtô cũ hoặc đẩy chúng xuống biển đã bị dừng lại, thì tro tàn và phế liệu từ những lần đốt trước vẫn tiếp tục lắng lại dưới biển. Một số người dân tỏ ý ủng hộ quyết định xuất khẩu xe cũ ra khỏi đảo và có hệ thống quản lý, tái chế rác tốt hơn để bảo vệ môi trường.
Theo tìm hiểu, được biết mỗi năm tại châu Âu có khoảng 20 triệu xe hơi kết thúc vòng đời tại bãi rác. Theo một quy định của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ hơn 2 năm trở lại đây, các nước châu Âu phải tái chế được 95% xác xe hơi, do vậy, đây là lĩnh vực đang phát triển rất nhanh.
Theo tờ Les Echos, mỗi năm tại Pháp có tới 1,5 triệu chiếc xe hơi bị đưa ra bãi rác. Cả nước Pháp hiện có 4 nhà máy, tại đó xe cũ được gỡ rời từng mảnh, các chi tiết kim loại, thủy tinh, cao su hay nhựa được phân loại rồi nghiền nhỏ, biến thành nguyên liệu. Lốp xe, các linh kiện cao su và mút, vải từ ghế xe sẽ biến thành chất đốt cho các nhà máy xi măng.
Ở một nhà máy tái chế thuộc hãng xe hơi BMW ở Lohhof, Đức, BMW đã tận dụng tối đa từng loại phụ tùng và vật liệu của mỗi chiếc xe, chất độc hại và rác không thể tái sử dụng được giảm thiểu triệt để. Quá trình tái chế bắt đầu bằng việc đảm bảo an toàn cho xe trước khi bóc tách các bộ phận và linh kiện của chúng. Phần ấn tượng nhất của giai đoạn này là cách BMW kéo chiếc xe bằng một dây cáp để đồng loạt kích hoạt toàn bộ các túi khí đang có trong xe.
Theo tờ Ouest France, một nhà máy xử lý xác xe hơi được đầu tư hàng chục triệu Euro không thể chỉ trông chờ nguồn thu từ tôn, thép, thủy tinh, cao su phế liệu... Một vấn đề nữa là, cho dù tỷ lệ tái chế đã rất cao, vẫn có gần 4% rác không thể tái chế được. Vì thế, nhiều nước châu Âu tiếp tục áp dụng cách làm từ hàng chục năm trước đây là xuất sang các nước có nhu cầu tiêu thụ linh kiện.
ANH BẰNG