Do chính sách thắt chặt các phương tiện lưu thông trong thành phố để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, số lượng xe được cấp phép lưu thông ở Bắc Kinh ngày càng ít, đó là lý do vì sao nhiều người đã phải viện đến kết hôn giả.
Cụ thể, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã liên tục tiến hành những biện pháp mạnh mẽ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn trong thành phố. Trong đó có việc quy định nghiêm ngặt về biển số xe được phép lưu thông trên những tuyến đường thường xuyên bị tắc nghẽn.
Một báo cáo của đài truyền hình CCTV của nước này phát sóng vào Tối Chủ nhật vừa qua tuyên bố một số tài xế sẵn sàng trả số tiền tương đương hàng chục ngàn USD để kết hôn với một trong những người sở hữu giấy phép lưu thông phương tiện, chuyển đổi chủ sở hữu sau đó và tiến hành ly hôn.
Mức phí trung bình rơi vào khoảng 160.000 Nhân dân tệ (22.700 USD) để có thể sở hữu một “thẻ thông quan” cho một chiếc xe chạy bằng xăng và 110.000 Nhân dân tệ cho một chiếc xe chạy bằng điện.
Tình trạng này bắt đầu từ năm 2011 khi Bắc Kinh tiến hành bốc thăm giấy phép được sử dụng xe trong thành phố. Nhất là khi số lượng giấy phép mà Bắc Kinh ban hành mỗi năm ngày một ít đi. Thậm chí, những người muốn có giấy phép lưu thông cho một chiếc xe điện mới có thể phải đợi đến 2028 mới đến lượt.
Chủ sở hữu của những chiếc xe được đăng ký tại thành phố này cũng bị cấm sử dụng chúng vào một ngày trong tuần, được xác định theo biển số xe.
Trong khi đó, những chiếc xe không có biển số Bắc Kinh phải đối mặt với những giới hạn nghiêm trọng khi lái xe trong thành phố. Chủ sở hữu của những chiếc xe này phải xin giấy phép chỉ cho phép họ sử dụng xe của họ trong bảy ngày một lần, và tính đến tháng này, họ chỉ được phép xin 12 giấy phép một năm.
Kết quả là nhiều tài xế đã tìm cách “lách luật” bằng những cuộc hôn nhân giả.
Một người đàn ông mang theo biển số xe tại một chợ xe cũ. |
“Chúng tôi nhận được ít nhất 3 hoặc 4 khách hàng mỗi ngày đến xin giấy phép thông qua các cuộc hôn nhân giả”, một người quản lý tại một cơ quan hữu quan chia sẻ với phóng viên CCTV. Nếu phi vụ trót lọt, quá trình xin cấp phép sẽ được hoàn thành trong khoảng 20 ngày.
Một cách lách luật khác là mua xe với tên của một người đã may mắn có được giấy phép. Người dùng thực tế sẽ phải trả tiền đầy đủ cho chiếc xe, đăng ký dưới tên chủ sở hữu giấy phép và trả một khoản tiền sau khi sử dụng giấy phép này, thường là 20.000 Nhân dân tệ mỗi năm, 49.000 Nhân dân tệ trong 3 năm hoặc 69.000 Nhân dân tệ với hợp đồng 5 năm.
Trong nhiều trường hợp, hai bên sẽ ký thỏa thuận để hạn chế rủi ro tranh chấp kéo dài, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây vẫn là một nước cờ mạo hiểm với cả đôi bên.
Wang Lidan, một thẩm phán tại Tòa án Nhân dân quận Haidian ở phía tây bắc Bắc Kinh chia sẻ với phóng viên về trường hợp một người phụ nữ đã trả tiền để kết hôn giả với một người đàn ông Bắc Kinh có giấy phép sử dụng xe trong thành phố. Thế nhưng, người đàn ông này đã biến mất sau khi nhận được tiền. Người phụ nữ không chỉ không có được giấy phép mà còn phải đối mặt với một vấn đề đau đầu về mặt pháp lý khi ly hôn.
Theo luật pháp Trung Quốc, trước tiên cô phải đăng một thông báo về sự mất tích của anh trên một tờ báo và sau đó đợi ba tháng trước khi ly hôn có thể thông qua các tòa án.
Diễm Vỹ (theo South China Morning Post)