Trước khi đưa xe ra hàng, bạn cũng nên tự thao tác kiểm tra để bắt bệnh xe của mình. Trong khả năng, bạn cũng có thể tự sửa chữa lỗi này qua việc bơm lại lốp và thực hiện một số thao tác đơn giản. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là người thông thạo về máy móc, tốt nhất bạn hãy mang xe ra đến những nơi thực sự uy tín để khắc phục càng sớm càng tốt.
Lúc này, dù không thể tự sửa chữa xe của mình nhưng bạn cũng biết được nó mắc phải lỗi gì và ước chừng số chi phí mà mình sẽ phải chịu để “chữa bệnh” cho xe, tránh bị bắt chẹt.
- Khi gặp tai lái nặng hoặc cứng:
Trường hợp này diễn ra khá phổ biến với các chị em lâu ngày không quan tâm chăm sóc tới xe, thậm chí quên cả bơm lốp xe. Lốp non cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cứng, nặng tay lái.
Đầu tiên, bạn nên kiểm tra lại bánh trước xem có bị non hơi hay không. Thông thường, áp lực hơi trong bánh trước được cho là vừa đủ ở mức 1,8-2 kg/cm2. Chỉ số này trên thực tế chỉ là tương đối, bạn có thể ngồi lên xe, đi thử ở tốc độ chậm và nhờ những người xung quanh quan sát xem xe có bị non hơi hay không. Nếu chỉ là non hơi, bạn chỉ cần bơm lên vừa đủ là xong. Bạn cũng nên lưu ý xem lốp xe có bị mòn quá mức, cần thiết phải thay thế không. Nếu xe đã có những vết vá trước đó (với những trường hợp lốp săm) nên kiểm tra lại vết vá có bị vênh, dày quá mức.
Lốp non hơi cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng cứng tay lái ở xe máy. |
Nếu vẫn chưa được, bạn có thể điều chỉnh lại đai ốc siết ổ bi cổ phuốc cho nhẹ hơn và chạy thử xe (đạt độ nhẹ nhưng không rơ lỏng). Nếu thấy tay lái vẫn nặng, nên tháo ổ bi cổ phuốc ra để kiểm tra tiếp.
Lúc này, bạn hãy quan sát xem có các hiện tượng như sau hay không: Lòng nồi đựng bi bị khuyết, mòn không đều; bi rỗ, méo, chất lượng kém; ổ lắp bi bị lệch, nghiêng; đai ốc khóa không siết chặt khiến côn bị xoay vào trong lúc bẻ lái gây kẹt cứng tay lái; ổ bi thiếu từ 1-2 viên.
Lúc này, bạn nên mang xe ra hàng, họ sẽ có những thiết bị cần thiết để sửa chữa xe cho bạn. Kinh nghiệm của thợ cũng giúp bạn biết đai ốc khóa siết thế nào là vừa đủ. Chịu khó quan sát thợ làm, bạn có thể tự xử lý chiếc xe của mình trong trường hợp nếu tái bệnh lần sau.
2. Xe đảo, lạng khi gặp đường xấu:
Nguyên nhân của lỗi này là do hệ thống giảm xóc có vấn đề, phần đôi phía trước không làm việc; đôi lò xo (phía sau hoặc phía trước) không đều; một bên (trước hoặc sau) bị kẹt; dầu trong xi lanh của đôi nhún trước không cùng mức; ti (trước hoặc sau) bị cong.
Lưu ý: khi kiểm tra sửa chữa hoặc thay mới, bạn cần thực hiện đều cả hai bên để đảm bảo độ cân bằng.
3. Tay lái bị đảo, lắc:
Nguyên nhân có thể là do áp lực hơi bánh trước thấp hơn quy định; lốp xe lắp không đều, bị phồng, đảo; vành bị đảo hoặc cong; trục bánh trước hoặc sau siết không chặt; trục càng sau siết chưa đủ chặt hay cao su đệm ở đầu càng bị vỡ; khung xe bị vặn cong; càng sau hoặc giảm xóc trước bị cong, lệch làm cho hai bánh xe không được thẳng hàng.
Để xử lý lỗi này, bạn nên bắt đầu từ những thứ dễ trước. Đầu tiên là kiểm tra áp lực bánh xe (không quá non ở hai bánh). Nếu không được, bạn cần nhờ đến thợ cân chỉnh lại khung xe trên máy chuyên dùng.
Đ.Huệ (tổng hợp)