Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định việc xử phạt hành vi tự ý thay đổi số khung, số máy của xe tại Điều 30 rất cụ thể với từng loại xe.
Cụ thể với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy sẽ bị phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe (Điểm a, Khoản 4, Điều 30)
Việc tự ý hàn, đục lại số khung, số máy của xe, chủ xe sẽ bị xử phạt rất nặng. |
Với chủ xe ô tô, xe máy, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi này sẽ phải chịu mức phạt từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức.
Ngoài ra, khi phát hiện chủ phương tiện có dấu hiệu tự ý hàn đục, thay đổi số khung, số máy của xe, cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm điều tra, giám định, xác nhận chiếc xe có phải do phạm pháp (như trộm cắp chẳng hạn) mà có hay không?.
Nếu là xe do phạm pháp mà có thì ngoài việc bị tịch thu xe theo quy định của pháp luật, chủ xe còn phải chứng minh trách nhiệm của mình trong việc sở hữu xe này. Nếu chủ xe biết chiếc xe đã bị đục lại số khung, là xe do phạm pháp mà có nhưng vẫn mua thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (quy định tại Điều 250 Bộ luật hình sự 1999). Mức phạt lớn nhất cho hành vi này có thể lên đến 15 năm tù.
Đỗ Huệ