Tiết kiệm được 80 triệu đồng, anh chị quyết định vay lãi thêm 200 triệu để mua chiếc ô tô cũ trị giá 280 triệu vì nghĩ có ô tô thì tiện cho mỗi lần về quê hơn. Thế nhưng, sau 3 năm, khoản nợ đã tăng lên 220 triệu, chưa kể 20 triệu tiền lãi mỗi năm. Vừa rồi, vợ chồng anh định bán xe nhưng khách chỉ trả 170 triệu.
Mua ô tô cũ đã qua sử dụng cẩn thận “tiền mất tật mang”. |
Anh Nguyễn Văn Đông ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ về sai lầm khi quyết định vay tiền mua ô tô cũ của vợ chồng anh hồi đầu năm 2015, để đến giờ anh mắc một khoản nợ lớn.
Anh Đông lập gia đình từ năm 2013, vợ chồng anh có khoản thu nhập ổn định mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng từ lương của hai người. Khi ấy, không phải lo chuyện nhà cửa vì lập gia đình xong, anh được bố mẹ mua cho một ngôi nhà đất 2 tầng (trong ngõ) rộng 50 mét vuông. Đến cuối năm 2014, anh chị chào đón con gái đầu lòng. Vậy là hai vợ chồng không phải lo chuyện gì, chỉ việc làm để lấy tiền tiêu và nuôi con nhỏ.
Lúc đó, cuộc sống khá ổn, bởi sau khi chi tiêu đầy đủ cho sinh hoạt của gia đình, vợ chồng anh vẫn để dành được khoản tiền 80 triệu đồng.
Quyết định vay tiền mua ô tô để đi là một sai lầm khiến vợ chồng anh Đông ngày càng mắc nợ nhiều hơn. |
Thấy vậy, hai vợ chồng ngồi bàn chuyện vay thêm 200 triệu đồng, cộng với khoản tiền 80 triệu đồng tiết kiệm được trước đó là 280 triệu đồng, đủ để mua một chiếc ô tô cũ của người quen bán lại.
Lúc ấy, cả hai đều nghĩ quê xa, hầu như tháng nào cũng về thăm bố mẹ, con lại đang còn nhỏ, nếu có xe ô tô đi lại thì tiện hơn, đỡ tốn kém. Vợ chồng anh dự tính khoản vay sẽ trả nợ dần, khoảng 3 năm sau thì trả hết và gia đình có chiếc ô tô để đi.
Ba ngày sau, hai vợ chồng cùng nhau lái chiếc ô tô về nhà với giá 280 triệu đồng trong niềm hoan hỷ thế là từ nay gia đình đã có ô tô đi lại, đỡ cực nhọc mỗi lần về quê.
Thế nhưng, 2 năm sau khi mua ô tô, vợ chồng anh hoàn toàn vỡ mộng. Bởi, tháng nào anh chị cũng phải chi trả 1,5 triệu đồng tiền gửi xe, tiền chi phí xăng xe đi lại, bảo dưỡng sửa chữa các kiểu,... trung bình mỗi tháng hết tầm 4 triệu đồng. Một năm tính ra chiếc xe tiêu tốn gần 50 triệu đồng, chưa kể tiền lãi vợ chồng anh phải trả là 20 triệu đồng mỗi năm từ khoản vay 200 triệu đồng lúc mua xe.
Đến năm 2017, khoản nợ 200 triệu vẫn nguyên chưa trả được đồng nào, lãi vẫn phải gánh đều đặn. Khoản thu nhập 20 triệu đồng/tháng cũng được tiêu sạch vào tiền chi phí sinh hoạt, tiền nuôi xe ô tô, không để dành được một đồng xu nào.
Tiền nuôi xe đã đành, mỗi lần về quê lại phải 1-2 triệu đồng chi ra mua quà cáp đủ thứ cho người nhà, vì nếu không mua sợ mọi người lại nghĩ nhà giàu có ô tô đi mà keo kiệt, về quê mà không quà cáp gì. Chưa kể, có ô tô, hầu như tháng nào vợ chồng anh cũng cùng bạn bè đi chơi tại những khu du lịch quanh Hà Nội, mỗi lần vậy cũng hết thêm 2-3 triệu đồng.
Ngoài sử dụng vào dịp cuối tuần (tháng 2-3 lần về quê và đi chơi xa), những ngày trong tuần, vợ chồng anh chạy xe máy đi làm, ô tô không dùng đến toàn đắp chiếu ở nhà.
Giữa năm 2017, vợ anh sinh thêm đứa con thứ hai nên chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể, trong khi thu nhập chỉ có vậy. Thế nên, đến cuối năm vừa rồi, khoản tiền lãi ô tô cũng không trả được, anh phải nói chủ nợ cứ cộng dồn vào khoản tiền gốc cũ cho anh rồi anh chịu lãi cả thể.
Đầu năm nay, tiền trong nhà không có một xu, tiền lãi vay mua ô tô không những không trả được mà còn nợ nhiều thêm. Đó là chưa kể, giáp Tết Nguyên đán, tiền gửi xe còn bị tăng lên 1,7 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng mất ăn mất ngủ, nhiều khi còn cãi vã vì túng quẫn chuyện cái xe ô tô.
Bởi, nếu giữ lại thì sợ càng ngày càng nợ thêm, mà con cái lớn thì tiền chi phí học hành ngày một tăng. Giờ một đứa đi học tháng hết 3 triệu, năm tới thêm đứa nữa hết 3 triệu nữa, rồi còn tiền nuôi ô tô. Tính ra, trừ các khoản cố định vợ chồng anh còn vỏn vẹn 6 - 8 triệu đồng ăn tiêu sinh hoạt, chuyện ma chay cưới hỏi,... như thế có khi thu không đủ chi.
Tính đi tính lại, hai vợ chồng quyết định bán xe. Song, do lúc mua anh chị lại mua xe đời cũ năm 2003, tức xe đã chạy được khoảng gần 15 năm, mà xe cũ càng đi càng mất giá nên người tới hỏi mua chỉ trả 170 triệu. Tức là, nếu bán xe vợ chồng anh lỗ khoảng 110 triệu đồng. Chưa tính 3 năm vừa rồi, anh chị đổ vào cái ô tô khoản tiền khoảng 220 triệu.
Nếu giờ chấp nhận bán xe, cộng cả tiền lỗ lẫn tiền chi phí, 3 năm vừa qua chiếc ô tô ngốn hết đúng 330 triệu đồng. Còn trước đó, mỗi lần về quê đi bằng taxi, cùng lắm vợ chồng anh tốn chưa 60 triệu đồng cho cả 3 năm.
“Vợ chồng tôi đang phải trả giá đắt cho sai lầm mắc phải trong bài toán kinh tế gia đình. Bởi, nếu không mua xe, giờ vợ chồng anh không những không phải mắc nợ mà còn có vài trăm triệu tiền tiết kiệm”, anh Đông chia sẻ.
Theo Vietnamnet