Đề xuất dự án có lấn chiếm lòng đường phải đóng phí chống ùn tắc
Chia sẻ với Truyền hình Quốc hội, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, tại Hà Nội có rất nhiều lô cốt mọc tự nhiên và không được báo trước tại các tuyến đường giao thông huyết mạch. Các lô cốt này chiếm 30% trong các nguyên nhân gây ùn tắc. TP. Hà Nội cần yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ để sớm giải tỏa lô cốt. Đồng thời phải đóng thêm chi phí chống ùn tắc cho ngân sách trong thời gian chiếm lòng đường thực hiện dự án.
Trước đó, do thực hiện thi công dự án thoát nước thải Yên Xá nên tuyến đường Nguyển Xiển – Linh Đàm đã bị rào tôn mất 2/3 đường, từ đó lập thêm nút thắt cổ chai mới trong những ngày gần đây. Chỉ cần một xe gặp sự cố ngay tại nút thắt sẽ khiến giao thông ùn tắc càng trầm trọng.
Không để xảy ra tình trạng bán thầu cao tốc Bắc- Nam
Theo Thông báo số 474/TB – BGTVT được phát hành hôm 8/11, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đánh giá cao sự cố gắng của các ban quản lý dự án, các cơ quan thuộc Bộ trong thời gian qua đã nỗ lực, tập trung tối đa các nguồn lực để triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2022 thời gian chỉ còn 2 tháng, khối lượng công việc còn lại rất lớn, đặc biệt là phải hoàn thành dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, thông xe kỹ thuật 3 dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và triển khai lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để khởi công đồng loạt các gói thầu thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị liên quan phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, chung sức đồng lòng, khắc phục các khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu để chỉ đạo, điều hành hoàn thành các công việc bảo đảm tiến độ, chất lượng; tuyệt đối không vì tiến độ mà lơ là quản lý chất lượng, an toàn lao động.
Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu để chọn được nhà thầu mạnh, có năng lực, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bán thầu. Giám đốc các ban quản lý dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Bộ trưởng nếu để xảy ra tình trạng bán thầu và các vấn đề tiêu cực trong lựa chọn nhà thầu.
Chỉ định 25 gói thầu cao tốc Bắc - Nam, gói lớn nhất gần 8.000 tỷ đồng
Bộ GTVT cũng vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam với 25 gói thầu. Đáng chú ý, tại phương án phân chia gói thầu được phê duyệt, số lượng gói thầu nhiều nhất là 3 gói thầu. Trong đó gói thầu có giá trị lớn nhất gần 8.000 tỷ đồng. Tất cả các gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 11/1, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án đi qua 12 tỉnh thành, chia làm 12 dự án độc lập với tổng vốn 146.990 tỷ đồng.
Chính phủ giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và người có thẩm quyền thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022-2023 với các gói thầu tư vấn, xây lắp; gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định đấu thầu. Riêng gói thầu xây lắp các dự án thành phần, việc chỉ định thầu kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)