Tranh cãi quanh quy định gắn mào
Sau khi bản trình thứ 6 bị trả lại, bộ GTVT lại vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định về taxi và xe hợp đồng điện tử (như Uber, Grab).
Từ lâu, sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh mới như: Grab, FastGo, Be, Go-Viet, hay trước đây là Uber tại Việt Nam đã là đề tài tranh luận "nóng" giữa nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, thậm chí là giữa các bộ, ban, ngành...
Đề xuất gắn mào cho các xe sử dụng ứng dụng công nghệ gây tranh cãi. (Ảnh minh họa) |
Không chỉ dừng lại ở việc định nghĩa "kinh doanh như Grab" sẽ được gọi là gì, mà cả cơ chế quản lý, hỗ trợ, và kiểm soát cũng được nhiều cơ quan hữu quan quan tâm. Cụ thể là việc Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải tới lần thứ 7, nhưng vẫn chưa tìm ra được phương án hợp lý, hay tiếng nói chung.
Ở bản Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 lần thứ 7, Bộ GTVT tiếp tục bảo lưu quan điểm xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi gộp chung là taxi.
“Xe taxi là kinh doanh bằng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi để vận chuyển khách, theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; cước chuyến đi theo đồng hồ tính tiền hoặc theo phần mềm tính tiền có kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử”, dự thảo định nghĩa.
Ở phần điều kiện, với taxi, sẽ phải có phù hiệu “xe taxi” và dán cố định phía bên phải mặt kính trước xe, niêm yết đầy đủ thông tin trên xe theo quy định, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe. Xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Trong đó, với xe taxi dùng đồng hồ tính tiền (taxi truyền thống): Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền có kẹp chì, có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền để trả cho khách; đồng hồ gắn ở vị trí hành khách dễ quan sát.
Với taxi sử dụng phần mềm tính tiền: Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách đặt xe, huỷ chuyến; tiền cước được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số; phần mềm phải đảm bảo tuân thuy quy định về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc logo của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để khách lựa chọn đơn vị cung cấp. Kết thúc chuyến đi phần mềm phải gửi thông tin về Tổng cục Thuế, theo quy định của Bộ Tài chính.
Với xe hợp đồng, sau khi một số thành viên Chính phủ góp ý vẫn nên có xe hợp đồng điện tử (như Uber, Grab), và có cách quản lý riêng, không thể gộp tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ là taxi và quản lý như taxi. Do đó, ở bản Dự thảo lần 7, Bộ GTVT đã bổ sung thêm quy định phần này. Theo đó, tất cả xe hợp đồng phải có phù hiệu “xe hợp đồng” dán trên kính xe.
Để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa xe taxi truyền thống và xe hợp đồng điện tử (đang thí điểm với Grab theo Quyết định 24), Bộ GTVT đề xuất: Với xe ô tô dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có bảng điện tử với chữ “xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe; kích thước bảng điện tử này bằng bảng của xe taxi và phải bật sáng khi tham gia giao thông.
Với sửa đổi này, các xe hợp đồng điện tử (như Grab, Uber) sẽ dễ dàng được nhận diện và quản lý khi tham gia giao thông, với mào “xe hợp đồng” dán cố định trên nóc xe, không khác gì mào “taxi”.
Bộ Tư pháp nói gì?
Bộ Tư pháp mới đây vừa gửi bộ Giao thông Vận tải, văn bản góp ý dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sau khi thẩm định.
Theo Bộ Tư pháp, quy định có thể tạo cơ chế xin - cho, tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cần xem xét loại bỏ. Dự thảo đã quy định doanh nghiệp phải có phù hiệu đối với xe kinh doanh vận tải, do đó, chỉ nên quy định mẫu phù hiệu và giao cho các đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm lắp phù hiệu theo đúng quy định.
Khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong Dự thảo cũng là chủ đề gây tranh cãi. Dự thảo quy định nếu doanh nghiệp thực hiện một trong hai công đoạn "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải", thì sẽ được coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
|
Theo quy định đó, bất kì đơn vị nào thực hiện một công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc công đoạn quyết định giá cước vận tải đều bị coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tuy nhiên, dự thảo chưa làm rõ thế nào là trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, thế nào là quyết định giá cước vận tải sẽ dễ dẫn đến áp dụng không thống nhất.
Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị chỉ coi là kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong trường hợp thực hiện trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe đồng thời quyết định giá cước vận tải.
Bộ Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định để quản lí các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe taxi đã ứng dụng phần mềm điều hành thay thế cho phương pháp điều hành truyền thống (sử dụng bộ đàm).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị cần nghiên cứu làm rõ thêm về bản chất của các loại hình vận tải ứng dụng phần mềm Grab, Uber... để có quy định quản lí phù hợp, bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh công khai, công bằng, minh bạch.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu đơn vị soạn thảo nghị định xem lại các quy định về địa điểm, tần suất đón trả khách của xe hợp đồng, về việc doanh nghiệp phải thông báo thông tin hành trình, thời gian thực hiện đến Sở Giao thông vận tải trước nơi cấp giấy phép kinh doanh trước thực hiện vận chuyển...
Đề nghị của Bộ Tư pháp tương đồng với đề xuất của Grab liên quan đến khái niệm kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trước đó.
Cần quản lý như taxi
Trong một diễn biến khác, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM (đồng thời đang giữ chức vụ phó tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun) - vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các đơn vị liên quan kiến nghị giữ nguyên những quy định trong bản dự thảo thay thế Nghị định 86 lần thứ 8.
Một trong những nội dung đáng chú ý của văn bản này cho rằng bản chất của Grab là taxi nên phải quản lý như taxi.
Với đề xuất của Grab bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô như bỏ quy định về hộp đèn trên nóc xe... Hiệp hội Taxi TP.HCM nêu là trái thực tế, trái pháp luật, muốn hạ thấp vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải.
Phía Hiệp hội Taxi cho rằng hộp đèn còn có ý nghĩa minh bạch, văn minh trong kinh doanh vận tải, công bằng về điều kiện kinh doanh, theo đó luận điểm của Grab cho rằng hộp đèn chỉ dành cho các xe có khách vẫy trên đường là không chuẩn xác.
Theo hiệp hội này, việc Grab muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh vận tải để dễ dàng lách luật, né tránh sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, CSGT..., né tránh nghĩa vụ xã hội với người lao động và giảm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Do đó, Hiệp hội Taxi TP.HCM kiến nghị giữ nguyên quy định xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải chở khách đều phải có hộp đèn trên nóc, bất luận đó là taxi hay sử dụng hợp đồng điện tử.
Trong khi đó, cho rằng dự thảo nghị định vẫn còn nhiều điểm bất cập, mới đây Grab tiếp tục gửi 4 đề xuất đến Bộ GTVT, trong đó cần xóa bỏ những quy định gây tốn kém, tăng chi phí cho doanh nghiệp như thực tế là không cần thiết.
Hiện vấn đề này vẫn đang nhận được sự quan tâm, chia sẻ của dư luận.
HOÀNG SƠN (T/h)