Phản hồi đề xuất xây cầu cạn cao tốc khu vực ĐBSCL
Bộ GTVT vừa có báo cáo Chính phủ về việc nghiên cứu xây dựng cầu cạn khi triển khai các dự án cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Bộ GTVT, Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư có hạn, nguồn vật liệu cát khu vực ĐBSCL vẫn có khả năng đáp ứng cho các cao tốc đang triển khai thi công, trên cơ sở đánh giá, so sánh tính kinh tế - kỹ thuật, đối với các tuyến cao tốc đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đang áp dụng giải pháp đắp nền bằng cát; xử lý đoạn đắp cao đầu cầu bằng cọc xi măng đất, sàn giảm tải; xây dựng cầu cạn cho các đoạn tuyến có chiều sâu đất yếu lớn.
Mặc dù phương án đã được phê duyệt cần thời gian xử lý nền dài, sử dụng khối lượng vật liệu cát đắp nền lớn nhưng vẫn bảo đảm các tiêu chí về môi trường, thoát lũ... và có chi phí đầu tư hợp lý.
Đối với phương án xây dựng cầu cạn như kiến nghị của các hội/hiệp hội khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng, dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng có một số ưu điểm về kỹ thuật như: tăng tính ổn định, giảm rủi ro do trong thi công và quá trình khai thác; không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung vật liệu cát, rút ngắn thời gian thi công; ít ảnh hưởng đến môi trường hơn, điều kiện thoát lũ tốt hơn....
"Tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội thảo, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng đề án "Nghiên cứu định hướng giải pháp xây dựng đường cao tốc tại ĐBSCL để phát triển bền vững hệ thống hạ tầng giao thông" nhằm đánh giá các giải pháp một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện", Bộ GTVT thông tin.
Giá vé tàu tết Sài Gòn - Hà Nội từ 2-3 triệu đồng
Ngày 12/10, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty) tổ chức thông tin về công tác bán vé và lịch chạy tàu tết Giáp Thìn năm 2024.
Theo đó, lịch chạy tàu Tết từ ngày 26/1 đến hết ngày 26/2/2024 (tức từ ngày 16 tháng Chạp đến ngày 17 tháng Giêng). Trong thời gian này, ngành đường sắt tổ chức chạy 10 đôi tàu Thống Nhất (ga Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại) gồm: SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, SE9/SE10, SE11/SE12, SE23/SE24, SE27/SE28, TN3/TN4, TN5/TN6.
Đồng thời, chạy 10 đôi tàu khu đoạn gồm các tuyến từ TP. HCM (ga Sài Gòn) đi các ga Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết và ngược lại.
Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ Tết, Công ty còn tổ chức chạy thêm một số đôi tàu từ Sài Gòn đi Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Nha Trang… và ngược lại nhằm phục vụ hành khách đi du xuân.
Về công tác bán vé, Công ty sẽ nhận đăng ký vé tập thể từ ngày 30/9 đến 14h ngày 14/10. Dự kiến ngày 15/10 sẽ bán vé cho các tập thể đã đăng ký.
Từ 8h ngày 20/10, Công ty sẽ mở bán vé cá nhân. Mỗi hành khách được đặt chỗ và mua không quá 10 vé cho chiều đi và 10 vé cho chiều về. Dự kiến số chỗ cung ứng (chiều từ TP. HCM đi Hà Nội 10 ngày trước Tết và chiều từ Hà Nội đi TP. HCM 15 ngày sau Tết vào khoảng 390 chuyến với hơn 200.000 chỗ).
Dự kiến trong những ngày cao điểm Tết, giá vé sẽ được điều chỉnh tăng từ 1 - 4% tùy vào chặng tuyến và loại tàu. Theo đó, giá vé dự kiến trong dịp tết Giáp Thìn tuyến Sài Gòn - Hà Nội cao nhất khoảng 2.950.000 đồng và thấp nhất là 1.950.000 đồng/vé".
Đủ cơ sở rút giấy phép kinh doanh xe Thành Bưởi
Trao đổi mới đây với Báo Giao thông, ông Đỗ Công Thủy, Phó phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho biết, hoàn toàn đủ cơ sở để rút giấy phép kinh doanh xe Thành Bưởi.
Ông Thủy cho biết, theo Nghị định 10/2020, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm tốc độ là tước phù hiệu. Đơn vị kinh doanh vận tải bị tước thì phải đề nghị cấp lại theo quy định.
Các hành vi khác sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021, một số hành vi bị xử phạt bổ sung tước phù hiệu từ 1-3 tháng đối với xe vi phạm, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn trên quốc lộ 20 cho thấy, nhà xe Thành Bưởi vi phạm điểm h khoản 7 Điều 28 Nghị định 100/2019. Theo đó, ngoài xử phạt tiền, doanh nghiệp vi phạm để xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên sẽ bị tước giấy phép kinh doanh vận tải từ 1-3 tháng.
Đối chiếu với quy định, nhà xe Thành Bưởi đã vi phạm nên phải rút giấy phép kinh doanh vận tải. Thẩm quyền tước thuộc đơn vị cấp phép kinh doanh vận tải cho nhà xe Thành Bưởi.
Kiến nghị chế tài về nhường đường cho xe vượt trên cao tốc
TS. Đặng Minh Tân, Trường Đại học GTVT cho biết, dự kiến đến cuối năm 2023, toàn quốc sẽ có tổng số 1.852 km đường cao tốc được khai thác. Thực tế cho thấy, từ khâu quản lý, khai thác vận hành đến ý thức của người tham gia giao thông trên đường cao tốc hiện vẫn chưa cao, chưa phù hợp. Tình trạng phổ biến hiện nay là các phương tiện chiếm làn phía bên trái, sát dải phân cách, dẫn đến các xe di chuyển với tốc độ cao hơn (đúng quy định) có nhu cầu vượt gặp khó khăn, thậm chí phải vượt bên phải... Những điều này dẫn đến các xung đột giao thông, gia tăng nguy cơ ùn tắc và TNGT.
Theo TS. Đặng Minh Tân, ở nhiều quốc gia, việc sử dụng làn đường của các phương tiện giao thông trên đường cao tốc được quy định và được quản lý rõ ràng.
Tại Mỹ, hầu hết các bang đều có luật quy định các xe phải giữ làn phải hoặc luật nhường đường yêu cầu các xe phải giữ làn phía bên phải hoặc phải chuyển làn sang phía bên phải để nhường đường cho xe có nhu cầu vượt lên từ bên trái.
Tương tự tại Đức, luật giao thông nước này quy định, các xe phải giữ làn phải. Làn đường bên trái chỉ được sử dụng để vượt, trừ những trường hợp đặc biệt như tắc đường, trên tuyến có TNGT…
Cũng theo TS. Đặng Minh Tân, nghiên cứu được thực hiện bởi Quỹ AAA vì ATGT Hoa Kỳ cho biết, hành vi bám làn đường bên trái và không nhường đường có nguy cơ rất cao phát sinh những hành vi gây mất an ninh trật tự giữa các tài xế, cũng như gây TNGT.
Tại Việt Nam, quy định, chế tài về việc sử dụng làn đối với các loại phương tiện khác nhau trên đường cao tốc chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng. Không chỉ ở trên đường cao tốc mà trên nhiều tuyến đường ô tô thông thường, hầu hết tài xế đều muốn chiếm làn bên trái, sát dải phân cách dù đi tốc độ rất chậm. Thực trạng này dẫn tới việc các phương tiện thường xuyên phải vượt bên phải, đồng thời gây tâm lý ức chế cho các tài xế, cũng như xảy ra những vấn đề về ùn tắc.
TS. Đặng Minh Tân kiến nghị, thực tiễn chỉ ra nhu cầu phải phát triển các quy định pháp luật, các giải pháp quản lý, kỹ thuật và chế tài về việc sử dụng làn đường trên hệ thống đường cao tốc để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng làn đường cao tốc, góp phần giảm thiểu ùn tắc và TNGT.
Thời gian tới, các tuyến cao tốc có 6 làn xe cần nghiên cứu triển khai phương án tổ chức giao thông với xe tải chỉ được đi ở làn số 2 và làn số 3. Đồng thời tăng cường sử dụng một số giải pháp sử dụng biển báo khuyến khích các phương tiện đi chậm đi về bên phải và nhường đường cho xe vượt.
Cùng với đó, cần phát triển giải pháp, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh để quản lý, điều hành tổng thể đường cao tốc nói chung và giám sát vấn đề về tốc độ và sử dụng làn đường nói riêng. Đồng thời, cần coi trọng vấn đề tuyên truyền, tăng cường các giải pháp đào tạo người lái xe nhận thức về việc sử dụng làn đường khi tham gia giao thông nói chung và đường cao tốc nói riêng.
Thành Đô (tổng hợp)